Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Phục hồi kinh tế đô thị di sản

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế TP.Hội An vốn dựa phần lớn vào du lịch - dịch vụ. Xây dựng khả năng phục hồi kinh tế đô thị trong và sau dịch Covid-19 là nhu cầu bức thiết để phát triển bền vững đô thị cổ này trong thời gian tới.
TNB 43699
Hội An đang hướng đến kế hoạch xây dựng đô thị có khả năng chống chịu cao, phục hồi tốt hơn trước các tác động trong tương lai. Ảnh: Q.T


Cuối tuần qua, UBND TP.Hội An phối hợp với Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) tổ chức hội thảo “Tầm nhìn các bên liên quan dự án xây dựng phục hồi kinh tế đô thị trong và sau dịch Covid-19”.

Tầm nhìn mới, tiếp cận mới

Năm 2020 “đáng nhớ” đối với Hội An - một đô thị nhỏ gần như dựa hẳn vào ngành du lịch - dịch vụ (chiếm hơn 70% cơ cấu nền kinh tế) phải chịu tác động kép từ dịch bệnh và thiên tai. Năm 2020, tổng lượt khách đến Hội An chỉ đạt 923 nghìn người (bằng 15% so với năm 2019) khiến lực lượng lao động thất nghiệp ở Hội An tăng cao, đời sống cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình nhân cư Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UN - Habitat Việt Nam), điều này buộc chúng ta phải đưa ra một tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới cho địa phương. Yêu cầu đặt ra lúc này là phải chuyển đổi sang một nền kinh tế số năng suất hơn, hiệu quả hơn, cùng với đó là yêu cầu về không gian xanh, hệ thống an sinh xã hội phải đảm bảo hơn. 

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, ngoài thiệt hại về kinh tế, cú sốc tinh thần đối với người làm du lịch tại địa phương vẫn còn âm ỉ. Mặc dù vậy, đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu sản phẩm du lịch Hội An.

“Ở đó chúng ta cần mở rộng tài nguyên du lịch, đổi mới sáng tạo trên nền tảng bản địa, kết nối đa ngành nghề với cả công nghiệp - nông nghiệp, tăng cường hợp tác song phương, đa phương và trên hết là sự định hướng đúng đắn từ phía chính quyền” - ông Thanh nói. 

Từ diễn biến của dịch Covid-19, có thể thấy trong tương lai việc xây dựng một đô thị có khả năng chống chịu cao, phục hồi nhanh hơn là yêu cầu hướng đến để giảm thiểu tính bị động một khi vấp phải các vấn đề rủi ro phi truyền thống. Một trong những giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém chính là nhìn nhận và tìm ra cách dùng mới với các nguồn lực đang có.

Ông Nguyễn Quang chia sẻ, phát triển nông nghiệp ở Hội An còn khá hạn chế dẫn đến sản phẩm đặc thù chưa nhiều, chưa tạo ra giá trị gia tăng đáng kể trong du lịch. Thành phố cũng cần tính phương án để nâng cao giá trị văn hóa các không gian có thể từ sản phẩm nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật sắp đặt…

Thúc đẩy hợp tác có chiều sâu

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, Hội An rất trân trọng cơ hội tiếp cận khi là một trong 15 thành phố trên thế giới và là đô thị duy nhất ở Việt Nam tham gia dự án này của UNESCAP. Hội thảo là bước quan trọng của dự án nhằm kết nối các cơ quan liên quan của Liên hiệp quốc với các đơn vị chức năng của Hội An cũng như cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ thực trạng khó khăn hiện nay. Từ đó dự án sẽ hỗ trợ chính quyền Hội An nâng cao năng lực hoạch định chính sách để phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.

Dù chỉ đang trong giai đoạn sơ khởi, có thể nhận thấy cơ hội để Hội An tiếp cận nguồn lực từ dự án này không đến từ vấn đề tài chính mà là kinh nghiệm tái thiết, phát triển du lịch cũng như sự tư vấn về chiến lược, năng lực quản trị đô thị phù hợp với đặc trưng bản địa.

Ông Curt Garrigan - Trưởng Bộ phận Phát triển đô thị bền vững (UNESCAP) cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực để thành phố soạn thảo chiến lược phát triển. Các thành phố tham gia dự án chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về cách tiếp cận vấn đề cũng như hỗ trợ về kỹ thuật mới thông qua các cuộc đối thoại. Từ đó, mỗi thành phố cần xây dựng cơ hội cho riêng mình thông qua dữ liệu sẵn có”. 

Theo UNESCAP, có thể phân chia 4 giai đoạn của đô thị bị ảnh hưởng do Covid-19 bao gồm: ứng phó, phục hồi, tái sinh và kỳ vọng. Trong đó, hầu hết đô thị đang trong quá trình phục hồi, việc tái sinh có thể mất khoảng 4 năm, còn giai đoạn kỳ vọng cần 10 - 30 năm tùy theo chiến lược của mỗi thành phố.

Dự kiến từ tháng 4.2021, các thành phố tham gia dự án sẽ tiến hành thu thập dữ liệu, xây dựng chiến lược ứng phó ban đầu một cách hiệu quả với đại dịch, sau đó các chuyên gia sẽ thẩm định, đưa ra nhận định liệu kế hoạch đó có phù hợp với địa phương không và cuối cùng các đơn vị mới thực hiện với một kế hoạch toàn diện.

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây