Nhớ một góc ngồi trên phố
- Thứ sáu - 11/06/2021 05:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vỉa hè, động rồi... tĩnh
Bốn cô gái trẻ ngồi trên những chiếc ghế nhựa đặt trước thềm một ngôi nhà cổ ở Hội An. Họ sắp sửa thưởng thức ly chè ngọt mát… Khung cảnh thanh bình này lọt vào bức ảnh có “Thưởng thức” (Enjoying), rồi nhanh chóng được nhiều người biết đến khi đoạt giải nhất thể loại Thức ăn đường phố (Street food), một trong 25 hạng mục giải khác nhau của giải ảnh quốc tế Pink Lady Food Photography.
Từ đầu tháng 5, các bản tin trong nước đã loan báo giải thưởng này của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn. Trước đó ít ngày, ban giám khảo cũng đã chính thức công bố kết quả trực tuyến trên YouTube và ngay lập tức nhiều trang tin quốc tế như The Times, Digital Cameralworld, BBC News, The Guardian… hào hứng dẫn lại. Lễ trao giải và triển lãm ảnh dự tính tổ chức vào khoảng cuối năm nay, ở Bristol (Anh).
Như những gì nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn chia sẻ với báo chí, ông chụp bức ảnh này hồi cuối tháng 12.2020. Ông bấm máy ở “một khoảnh khắc đáng yêu” khi người dân thưởng thức chè trên phố, thời điểm cộng đồng nhiều nơi khác vẫn đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19… Xem ra, hình ảnh những nữ sinh thư thả ngồi bên vỉa hè như thế còn “đắt” hơn gấp nhiều lần so với những dòng mô tả về một xứ sở yên bình.
Tôi đã đôi ba lần nhắc đến vỉa hè Hội An và hàng rong phố cổ, nhưng chỉ là những gánh hàng rong ký ức hay chỗ ngồi hiện hữu trên phố. Giờ thì vỉa hè ấy lọt vào khuôn ảnh, chụp ở những ngày chưa bị hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh, lại đoạt giải nhất quốc tế, hỏi sao không vui? Có điều, khi kết quả giải thưởng vừa loan báo, ít ai nghĩ xứ sở yên bình ấy lại sắp bước vào một đợt bùng dịch Covid-19 mới, đợt thứ tư ở Việt Nam. Để rồi, kể từ đầu tháng 5 đến nay, hàng quán ở Hội An “khép cửa” phòng dịch, chỉ bán để mang về. Khung cảnh nhộn nhịp ngày cũ giờ tạm lùi vào ký ức.
Tôi định “zoom” kỹ để xem những cô gái trẻ ấy vừa ngồi ở con phố nào, nhưng nghĩ lại thấy không cần thiết nữa. Bởi đường phố nào tại Hội An chẳng từng đi vào ký ức với nét yên bình như thế? Thư viện số Hội An xưa (trên website của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), trong mục “sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng” vẫn còn đó những bức ảnh trắng đen ghi lại cảnh bán chè, mỳ Quảng, nướng bánh tráng… bên hè phố. Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Thái Tế Thông (chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân) cũng có lần bảo ông nhớ vanh vách từng góc phố, nơi có bà bán hàng rong ngồi và lọt vào góc máy của ông.
"Bàn im hơi bên ghế ngồi"
Tôi từng tìm đến thăm một số gallery tranh ở phố Hội và tham khảo thêm ý kiến một số họa sĩ, nhận ra chân dung phố khi lên tranh vẽ không “đặc tả” nhiều hàng rong, quán xá. Quen thuộc nhất vẫn là cảnh đường phố cong rồi mất hút vào góc xa, mái ngói rêu phong… Có chăng, chỉ là những đường nét phác họa sơ lược về một nơi bày bán mỳ Quảng, cao lầu hay tiệm sửa xe đạp.
Họa sĩ Trương Bách Tường, một người Hội An, cũng thuộc nhóm tác giả “không vẽ chi tiết” hàng quán phố Hội. Bức được cho là đặc tả nhất của anh cũng vậy. Góc phố quen, hiện rõ bảng tên đường “Lê Lợi”, trên bức tường có đóng đinh treo bảng hiệu “mỳ Quảng”. Thêm chiếc bàn nhỏ, vài ghế trống, một đầu quang gánh… Họa sĩ Trương Bách Tường đặt tên tác phẩm là “Góc phố”. Anh khởi sự vẽ “Góc phố” từ ngót 2 năm trước, chất liệu Acrylic, kích cỡ khá lớn (1,5 x1,5 m). Anh cho hay tháng 6 tới sẽ gửi tranh ra Hà Nội để lựa chọn chuẩn bị tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên 2021. Triển lãm này dự kiến tổ chức tại Kon Tum vào tháng 8.
Bức tranh của Trương Bách Tường cố tình “giấu” chủ gánh mỳ Quảng lẫn thực khách. Cứ như thể họ vừa rời đi đâu đó và sắp quay lại. Tự dưng nghe vang lên câu hát “bàn im hơi bên ghế ngồi” trong nhạc Trịnh Công Sơn... Tất cả như một lời mời gọi: Rồi sẽ sớm có người đến ngồi bên chiếc bàn trống ấy, để nghe các món ăn kể chuyện.
Tôi sực nhớ nhà văn Tràng Thiên (Đoàn Thế Nhơn) từng viết về một góc nhỏ bày bán cao lầu trong một tùy bút danh tiếng về Hội An. “Vào một hàng quán nhỏ, nền trệt sát mặt đường, ghé mông lên chiếc ghế đẩu xiên xẹo, nhưng khách vẫn cứ có thể quát tửu bảo một cách dõng dạc: “Cao lầu một bát mau lên!”. Một món ăn từng được quý như thế mà nay đành mất cả sinh lực!”.
Lời cảm thán về “sinh lực” của món cao lầu trên phố ấy, được Tràng Thiên thốt ra từ năm 1966. Với ông, cao lầu là món rất lạ: không chịu “ra khỏi Hội An”. Một người dân phố Hội làm việc ở Đà Nẵng, lâu lâu nếu nhớ cao lầu và đâm thèm thì cứ phải chạy vào Hội An để ăn. Gần nhau đến như thế, nhưng người cũ có thể tìm về chứ cao lầu không thể ra đi… Góc quan sát tinh tế này khiến tôi nhớ lại chuyện cũ, dịp UBND TP.Hội An gặp gỡ báo chí vài năm trước. Lần ấy, nhà báo, đạo diễn Đoàn Huy Giao thổ lộ: Lâu lâu nhớ Hội An quá, ông và vợ (nhà báo Trung Yên) chạy vào Hội An chỉ để ngồi bên sông Hoài, uống ly cà phê, rồi quay ra Đà Nẵng…
Tâm tình ấy dường như trỗi dậy. Món mỳ Quảng trong bức tranh “Góc phố” có lẽ nhắc nhớ về những người vừa rời đi, dù bàn ghế im hơi. Góc phố nơi bày bán món chè lọt vào bức ảnh đoạt giải quốc tế 2021 cũng phác thảo về một nơi chốn yên vui, dù không tiếp tục xao động. Phố Hội, nhớ làm sao một chốn từng ngồi…
06/06/2021 10:00 | QUẢNG NAM ONLINE