Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Người giữ nghề đóng ghe mê ở Cẩm An

Từ cuối thế kỷ XVII khi vùng đất Cẩm An được hình thành, đây là làng biển của Hội An có đời sống khó khăn về mọi mặt thì hầu hết nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, xây cất nhà cửa, các công trình kiến trúc đều bằng đường thủy... nên người dân nơi đây đã chế tác những chiếc ghe mê để đi biển, vận tải hàng hóa, giao lưu buôn bán với các vùng lận cận.
mo hinh ghe doan hoan thien
Ông Nguyễn Ấm bên chiếc ghe mê mô hình đang hoàn thiện. Ảnh: PTV
 

      Nghề đóng ghe mê thủ công ở đây ra đời từ rất sớm. Xuất phát từ nhu cầu khai thác thuỷ sản và điều kiện địa lý nên nên đời sống của cư dân ven biển Cẩm An gắn liền với những chiếc ghe mê.

      Ghe mê là loại ghe có cấu kiện phần trên/be làm bằng gỗ, phần dưới là nan tre được đan thành tấm, trát phân bò và dầu rái gọi là mê, là công cụ mưu sinh chủ yếu ở biển ngang tồn tại hàng trăm năm.

      Những thập niên 50 đến 90 thế kỷ trước ở Cẩm An đã hình thành một đội thợ đóng ghe thiện nghệ như thợ Khóa, thợ Năm, thợ Điểu, thợ Tuôi, thợ Nan, thợ Xuân… chuyên đóng những chiếc ghe mê bãi ngang cho các vạn chài ở Phước Trạch, An Bàng, Tân Thành, Xuyên Phước (Duy Xuyên), Nại Hiện, Mân Thái, Thọ Quang (Đà Nẵng).

      Khác với các làng quê khác ở Hội An, do đặc thù của vùng bãi, biển ngang điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn nguyên liệu khan hiếm, đắt tiền nên những chiếc ghe mê là phù hợp nhất với cuộc sống mưu sinh từ biển của người dân. Nghề đóng ghe mê chỉ phổ biến ở Cẩm An, còn làng mộc Kim Bồng đa số đóng ghe săng/gỗ, một phần cũng do điều kiện khá giả và gần nguồn nguyên liệu hơn.

chiec ghe trong qua trình hoan thien
Ghe mê được trang trí gốm sứ trưng bày trong nhà hàng thêm sinh động, thu hút sự chú ý của thực khách
 

      Từ những nguyên vật liệu như gỗ mù u, tre ở các làng lận cận như Trường Lệ, An Phong, An Mỹ, Điện Phương, Điện Bàn, hai loại gỗ thường được dùng đóng ghe là kiền kiền, chò chỉ. Dầu rái từ núi rừng Đại Lộc dùng để trát mê ghe sau khi đã chà xát một lớp phân bò cho kín kẽ nan tre, đồng thời cũng tiết kiệm dầu rái hơn... Với tài năng và óc sáng tạo, người thợ Cẩm An đã tạo nên sự đa dạng, tinh tế của chiếc ghe mê mang tính đặc thù của làng quê mình.

      Khi đời sống cư dân ngày càng khá giả và sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế của địa phương từ ngư nghiệp là mũi nhọn sang du lịch - dịch vụ, những chiếc ghe mê một thời gắn bó mật thiết với bao phận người, trong đời sống hằng ngày của nhân dân nay đã thay thế bằng những chiếc ghe săng/gỗ và tàu trọng tải lớn để đánh bắt xa bờ nên nghề đóng ghe mê ở Cẩm An cũng mai một.

  Hiện nay, chỉ còn ông Ấm, ở khối Thịnh Mỹ giữ nghề nhưng cũng không có đơn đặt hàng. Có thể xem ông là nghệ nhân cuối cùng của làng. Bên cạnh thợ đóng ghe còn có đội thợ đan mê ghe nổi tiếng một thời như ông Trạc, ông Trữ, ông Than cũng đã mất.  
 
mo hinh ghe dan hien thi
Ảnh: PTV
 

      “Tôi làm nghề đóng ghe với cha tôi từ 17 tuổi. Muốn đóng một chiếc ghe mê thủ công tinh xảo, ngoài những kỹ thuật cơ bản còn đòi hỏi ở khả năng sáng tạo của mỗi người thợ. Một chiếc ghe đẹp thường là nở vai chót, bước vai bòng, đặc biệt là cặp lô dựng đúng kích thước, không xuôi, không đứng, trán và déo phả trường, cặp mắt kẽ dài thật sống động có hồn. Từ những kỹ thuật đẽo lô, sỏ mũi, sỏ lái, bào uốn be, vào khuôn (be nhất), then đóng lô, chồng be nhì… đến làm déo, thủ (bổ thủ vào then), lận mê, bắt viền, dãy ghe (bỏ rã), bổ chèo, cột chèo, bảnh lái, lưỡi hái, cột buồm, đóng gường là cả một quá trình sáng tạo của mỗi người thợ - ông Nguyễn Ấm chia sẻ.

      Những năm sau giải phóng ông đầu quân đóng ghe cho trại tàu thuyền ông Chìa là người Cẩm An di cư ra ở Thọ Quang, Đà Nẵng lập nghiệp, một thời gian sau về lại quê hương dựng trại sản xuất để mưu sinh, cho đến những năm 1995 thì nghề này mất vị thế hẳn, phải chuyển sang nghề mộc gia dụng để sống.

      Mặc dù những chiếc ghe mê hiện nay đã lỗi thời trong ngổn ngang phương tiện đường thủy hiện đại, nhưng bằng nỗi nhớ nghề, ông cứ mải miết đóng những chiếc ghe xinh xắn, độc đáo dạng mô hình để vơi nỗi nhớ nghề...

      Khi được hỏi về chuyện đóng ghe ở Cẩm An xưa, đôi mắt ông sáng hẳn lên. Ký ức của những ngày ông cùng cha mình là thợ Năm và anh ruột là thợ Lung rong ruổi tứ xứ đóng ghe thuê cho dân làng từ Quảng Nam, Đà Nẵng cứ thường trực trong ông.

      Hầu hết những chiếc ghe mê ở bãi ngang của làng biển Cẩm An từ ghe lưới cao, lưới rùng, lưới quay, giã cào, mành đèn, lưới trích… đều do bàn tay tài hoa của cha con ông tạo nên. Điều đặc biệt, anh em ông là thành viên của gánh hát bội của làng một thời đình đám. Công việc đóng ghe, hát bội vốn là nghiệp dĩ của ông, mặc dù tuổi đã hơn thất thập nhưng tay nghề vẫn điêu luyện và giọng hát vẫn sống động, độc đáo.

      Trải bao thăng trầm của lịch sử, với sức người cần lao gìn giữ, xây dựng, những lớp cha ông đi trước mở đường, khai hoang lập nghiệp đã để lại cho con cháu Cẩm An nghề đóng ghe mê thủ công truyền thống với nhiều nét đặc trưng của vùng ven biển gắn liền với quá trình phát triển, giao lưu kinh tế, văn hoá và điều kiện thích nghi của cư dân địa phương. Cùng với những phong tục, sinh hoạt của cộng đồng ngư dân, nghề đóng ghe mê thủ công thực sự tạo nên một diện mạo văn hoá độc đáo của vùng đất ven biển Hội An.

      Hiện nay, nghề đóng ghe mê ở đây cũng bị mai một, sắp thất truyền. Chiếc ghe mê một thời vang bóng vào lộng ra khơi, tung hoành trên đại dương bao la nay cũng vắng dần trên bãi ngang và chỉ còn trong ký ức của mỗi ngư phủ và bà con miền biển.

      Nhiều nghề truyền thống khác của Hội An đã dần được khôi phục, thiết nghĩ cũng nên khôi phục, bảo tồn nghề này để khỏi mai một góp phần tô điểm thêm những nét tinh tế, độc đáo cho bức tranh du lịch Hội An.

      Có thể biến những chiếc ghe mê truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau để nó trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, phục vụ trưng bày trong các không gian văn hóa, dịch vụ khác nhau. Đó cũng là cách giữ nghề, trân quý di sản của cha ông xưa. Và là nguyện vọng của ông Nguyễn Ấm - người giữ nghề đóng ghe mê cuối cùng của làng biển Cẩm An, Hội An.

Tác giả: PHÙNG TẤN VINH

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây