Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Mối mọt đe dọa nhà cổ Hội An

Mối mọt từ lâu là tác nhân âm thầm đe dọa di tích, nhà cổ ở Hội An. Dịch bệnh kéo dài trong hơn một năm qua làm nhiều ngôi nhà vắng bóng người ở, càng khiến vấn đề này trở nên nguy cấp.
TNB 44120
Nhiều ngôi nhà cổ không có người ở khiến mối mọt xâm hại trầm trọng hơn. Ảnh: N.N

Nhiều ngôi nhà có tuổi hơn 300 năm, phần trong thân gỗ bị mục nát trở thành thức ăn cho mối mọt, lâu dần sẽ ăn mòn sang những bộ phận khác trong căn nhà. Nhiều nhà ở đường Trần Phú, Nguyễn Thái học, Hoàng Văn Thụ và một số di tích như miếu Hy Hòa, đình Tiền Hiền… đang bị mối mọt ăn mòn nghiêm trọng.

Nhiều nhà bị mối tấn công vào các trụ cột, thanh ngang cố định trong nhà dễ gây mất an toàn cho người dân, làm mất tính thẩm mỹ vốn có của ngôi nhà cổ. Các loại gỗ trong ngôi nhà thường xây dựng không đồng đều giữa các cột và vách nên khả năng xuống cấp không giống nhau, các loại gỗ kém hơn sẽ bị mối ăn trước, sau đó tấn công các loại gỗ bên cạnh, dần dần sẽ ảnh hưởng lớn tới cấu trúc của căn nhà.

Một người dân sống trong khu phố cổ cho hay, một tổ mối thường sinh sản và phát triển rất nhanh, có thể lên tới cả triệu con nên khi xuất hiện mối mọt ở góc nhỏ trong nhà thì lập tức các bộ phận khác của ngôi nhà cũng có nguy cơ bị mối ăn theo.

Ông Hùng (nhà ở đường Trần Phú, phường Minh An) cho biết, ông là đời thứ 6 của ngôi nhà cổ này, ngôi nhà được cụ tổ xây dựng cách đây 300 năm theo phong cách của Nhật với 3 cây ngang ở trục chính. Gỗ được dùng chính cho ngôi nhà là gỗ lim. Đợt lũ vừa rồi nước có ngập vào nhà nên có nguy cơ xuất hiện mối mọt ăn mòn kết cấu nhà.

Cách đây hơn 2 năm, chính quyền TP.Hội An đã vận động, hướng dẫn và đến tận nơi đặt thuốc khử mối nên tạm thời ngăn chặn được tình trạng mối xâm hại ở những ngôi nhà cổ, nhưng gần đây lại xuất hiện tình trạng những tổ mối nhỏ ăn mòn một số bộ phận trong nhà. Những ngày thời tiết oi bức thì đêm tối, mối bay ra bám đầy tường nhà. Từ tháng 3 đến tháng 8 là thời điểm mối xuất hiện nhiều, sau đó chúng tìm những nơi thuận lợi để hình thành tổ mới.

Tại kỳ họp HĐND TP.Hội An diễn ra vào tháng 3 vừa qua, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhìn nhận, việc đóng cửa nhà ở trong phố cổ như hiện nay làm độ ẩm tăng cao, là tác nhân khiến mối mọi sinh trưởng mạnh.

“Năm 2018, chúng tôi có làm đề tài khoa học cùng một đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, khảo sát 40 di tích ngẫu nhiên để rút ra thực trạng về mối mọt trong khu phố cổ. Hiện nay, do tình hình kinh phí thành phố rất khó khăn trong năm 2021 nên chúng tôi chỉ trình kế hoạch tu sửa, chống mối mọt cho 265 di tích trong tổng số hơn 1.000 di tích hiện có” - ông Phạm Phú Ngọc nói.

Tác giả: QUỲNH NHƯ - NGỌC NHẪN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây