Mạch chảy sông Hoài
- Thứ hai - 12/10/2020 23:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đèn lồng phố Hội
Sáng tháng ba, những làn sương mỏng giăng mắc trên mọi ngả đường Hội An. Những con phố được vẽ lên như mầu tranh, như những bức bích họa tuyệt vời được kết tạo nên từ bàn tay, khối óc con người và thiên nhiên. Nhà cổ, phố cổ và những con người Hội An hiền lành, chất phác đã luyến lưu du khách. Về đây, được cảm nhận đủ đầy nhịp sống của người dân phố Hội, mới hiểu vì sao nhiều người mê đắm Hội An. Có thể, tình yêu đó xuất phát từ chính cuộc sống hằng ngày nơi đây cùng với các phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa đã kết tinh Hội An thành một bảo tàng sống về kiến trúc, lối sống đô thị. Ngồi lại trên sông Hoài - khúc sông hạ lưu của sông Thu Bồn huyền thoại, chẳng người dân nào của Hội An nhớ vì sao đây lại là sông Hoài và ai đã đặt tên cho dòng sông ấy - nhưng người Hội An tin chắc một điều: Đến Hội An là để nhớ một thời đã qua của một thương cảng sầm uất nhất xứ trung kỳ ngày đó. Và để được chiêm ngưỡng trọn vẹn nét cổ kính ẩn hiện trong hiện đại, tất cả soi bóng xuống sông Hoài bằng những nét chân thực nhất. Nhớ, nhà văn Nguyễn Tuân từng dành những mỹ từ viết về Hội An với một cái phố nằm bên sông Hoài. Chao ôi một thị xã Nhớ dựng lên sát một hải cảng Đợi (Cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy. Hiểu vì sao Hội An là biểu hiện nổi bật của sự kết hợp, giao thoa các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là phố cổ điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn toàn vẹn nhất.
Tôi tìm gặp nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba ở sau vườn Khổng Miếu trên đường Trần Hưng Đạo. Ông cười hiền với cái bắt tay ấm áp khi biết tôi là người mê phố cổ và đèn lồng. Nắng sớm vàng ươm trên những chiếc lồng đèn đủ mầu sắc và cả những chiếc lồng đèn đang dần hoàn thiện với tất cả tấm lòng, tâm huyết của nghệ nhân đã bước sang tuổi 84. Đèn lồng xuất hiện ở Hội An vào khoảng cuối thế kỷ 16 khi những người Trung Quốc và Nhật Bản đầu tiên đến Hội An buôn bán và định cư. Hàng trăm năm qua, chiếc lồng đèn đã được sử dụng phổ biến ở khắp các ngôi nhà, cửa tiệm và hội quán của cả người Hoa, người Nhật và người Việt. Chiếc lồng đèn trở thành một hình ảnh biểu tượng khó quên của khu đô thị đa văn hóa này. Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên trong chiến tranh, đèn lồng Hội An đã hồi sinh nhờ công, trước hết của Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba. Từ việc phục chế lồng đèn, dán lồng đèn bằng giấy dó, đến năm 1990, ông là người đầu tiên phục chế và tạo dáng chiếc đèn lồng trong khung tre bọc vải có thể xếp gọn được. Từ đó, đèn lồng Hội An được phát triển với hình dáng và chất liệu đa dạng với hơn 12 loại như ngày hôm nay.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba (thứ hai từ phải sang) với những học trò đặc biệt của mình.
Ở Phố cổ hiện có 32 gia đình làm và kinh doanh lồng đèn, trong đó cơ sở sản xuất đèn lồng Hội Ba của ông Huỳnh Văn Ba là một trong hai cơ sở lớn nhất. Tại đây, người dân, du khách có thể trải nghiệm tất cả các công đoạn làm đèn và tự tay làm những chiếc đèn lồng đặc trưng của Hội An. Ông Ba sinh ra ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, theo cha mẹ tản cư ra Hội An từ thời thơ bé. Những năm sau giải phóng, khi vợ qua đời, cuộc sống khó khăn, ông từng nghĩ đưa ba đứa con nhỏ về quê, nhưng rồi, cái duyên với sông Hoài, phố Hội đã “neo” ông ở lại. Ông nhớ nhất chuỗi ký ức tuổi thơ kham khổ với những ngày miệt mài theo cha ngồi chẻ tre, tước mây để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ, thuyền thúng. Ông bảo, ngày xưa thương cảng Hội An đẹp và điểm nhấn của Hội An chính là những chiếc đèn lồng. Có những đêm, cả phố cổ tắt điện và nhà nào, phố nào cũng chỉ thắp đèn lồng. Từ ước mơ được trở thành nghệ nhân sản xuất đèn lồng, ông đã không ngừng học hỏi để “đẻ ra hàng trăm ngàn con, cháu” - cách ông dùng để chỉ những chiếc đèn lồng. Ông Ba là người đầu tiên mở các lớp dạy làm lồng đèn cho người dân Hội An lúc bấy giờ, chỉ với mong muốn được truyền nghề, được tạo việc làm cho thật nhiều người dân ở phố. Hiện, đèn lồng xếp là thương hiệu nổi tiếng, đã xuất khẩu đến nhiều nước. Để nghề lồng đèn không bị mai một, hơn mười năm trở lại đây, ông đã trao truyền bí quyết cho người con trai thứ ba là anh Huỳnh Văn Trung. Hơn thế, cơ sở của ông còn nhận rất nhiều người khuyết tật vào làm việc, như một sự biết ơn, tri ân với cuộc đời, với phố Hội.
“Tôi mong rằng khi mình đi xa, con cháu vẫn nhớ tới mình bằng chính cái nghề đã đùm bọc, nuôi nấng chúng trưởng thành. Đèn lồng với tôi là hơi thở, là nhịp đập trái tim. Cây tre, cây mây tôi quý như hạt lúa, hạt gạo. Đời tôi sống vui đến bây giờ cũng nhờ tình yêu không bờ bến với chiếc đèn lồng” - ông Ba nói.
“Người Hội An hãy bằng chính tâm sức của mình, phải giữ được thành phố phát triển và không bị lai tạp quá nhiều nền văn hóa. Bởi, chính những giá trị tinh lõi nhất của Hội An là mạch nguồn văn hóa Việt, là tấm lòng người xứ Quảng chân chất và mộc mạc”.
Sâu đậm tình người
Ở Hội An, người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể trở thành những đại sứ du lịch. Bà Phạm Thị Mai, 85 tuổi, người quê chợ cá Cẩm Hà là một trong những đại sứ du lịch thật sự cho Hội An. Bà bảo, thời trẻ, bà buôn bán ở chợ cá Cẩm Hà, cùng với chồng nuôi tám đứa con. Khi tuổi cao, bà trở về Phố cổ, mưu sinh với gian hàng bán tò he bé nhỏ, khiêm tốn bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thấm thoắt cũng gần 40 năm. Sáng sớm, bà nhờ cháu nội chở lên làng gốm Thanh Hà, lấy vài chục con tò he, hơn chục chiếc lư đất dùng để xông trầm về bán. Gian hàng đơn sơ là thế nhưng đủ để bà kiếm sống. Để giới thiệu và bán quà lưu niệm cho du khách, bà đã học và đọc vanh vách tên tiếng Anh của 12 con giáp, nói được nhiều câu tiếng Anh đơn giản với khách hàng. Hình ảnh của bà bên sạp hàng nhỏ, đã cùng du khách đi khắp nơi, đã được in trên nhiều tờ báo nước ngoài. Hỏi bà Mai ấn tượng sâu đậm nhất về Hội An, bà bảo đó là tình người. Rằng người phố Hội hiền và mến khách lắm, thương người lắm. Mấy chục năm qua, bà đều được người dân trong phố mời cơm trưa, cơm tối. Bà Mai nói, hàng chục ngôi nhà cổ trăm năm cùng với đèn lồng đã làm nên một Phố cổ đẹp cùng năm tháng. Nhưng nếu như thiếu đi con người của phố, thiếu đi dòng sông Hoài nằm lặng yên soi bóng tháng năm, sẽ thiếu đi nhịp đời của phố…
Bà Phạm Thị Mai đang giới thiệu với du khách các món đồ lưu niệm bằng tò he.
Lặng ngắm Hội An về đêm, khi hàng trăm chiếc lồng đèn đã thắp lên đủ mầu sắc trước những ngôi nhà, từng con phố, thoảng nghe trong gió sông Hoài một lời hát bài chòi ngân nhịp reo vui. Khi những chiếc thuyền nhỏ của người dân Hội An bắt đầu chở khách ngắm phố cổ về đêm và thả hoa đăng, mặt sông bừng sáng trong sự tĩnh lặng, giữa một không gian vừa huyền bí vừa hiện đại, đánh thức lòng người. Nhiều người bạn đến Hội An và nhắn với tôi rằng, mỗi trải nghiệm đều mang một xúc cảm, chưa bao giờ đủ đầy. Hội An vẫn luôn là cuốn sách dày có nhiều chương mở, nhiều lối dẫn dắt bước chân người khám phá.