Không thể trì hoãn trùng tu Chùa Cầu
- Thứ bảy - 20/03/2021 21:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Chùa Cầu có thể sụp đổ bất cứ lúc nào
Hội An là đô thị duy nhất của cả nước còn tồn tại kiến trúc cổ cũng như các dấu ấn văn hóa, giá trị về con người, là di sản văn hóa có một không hai của Việt Nam. Với trách nhiệm của mình, Bộ VH-TT&DL sẽ hỗ trợ hết mức cho Hội An. Nhưng tôi nghĩ chính quyền địa phương cần phải có những quyết tâm hơn với các giá trị Hội An mang lại.
Đầu tiên đối với việc trùng tu Chùa Cầu, đây là lần thứ 4 tôi chia sẻ về vấn đề này với địa phương. Bố tôi là GS-TS. Hoàng Đạo Kính, trước khi tôi đi công tác, ông bảo tôi nhớ nhắc chuyện Hội An trùng tu Chùa Cầu. Tất cả tình trạng kỹ thuật của Chùa Cầu đã ở mức tồi tệ và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đến bây giờ chúng ta vẫn còn ngồi đây bàn về phương án trùng tu là một điều hơi ngạc nhiên. Chúng ta đều thấy thành quả các chuyên gia Nhật đã làm. Họ cũng trùng tu theo cách nếu công trình đã quá xuống cấp thì phải dỡ xuống và trùng tu để nó trở lại như cũ. Khi một công trình kiến trúc gỗ đến một độ tuổi nhất định, không đảm bảo kỹ thuật đã quá hư hỏng thì buộc phải trùng tu ở quy mô lớn. Quy mô lớn nghĩa là phải hạ giải toàn bộ.
Việc hạ giải cũng không nhạy cảm như người ta nghĩ. Chùa Cầu là một công trình biểu tượng của Hội An, nó cũng giống như Văn Miếu hay chùa Một Cột với Hà Nội, như Ngọ Môn hay Điện Thái Hòa ở kinh thành Huế… Đó là những công trình biểu tượng thu hút khách tham quan, đến khi hư hỏng, tình trạng kỹ thuật kém thì người ta phải tu sửa. Chùa Cầu có cấu trúc gỗ không phức tạp như các ngôi đình ở ngoài bắc. Và cách làm cũng không có khó khăn gì. Bộ khung bằng gỗ tuy là loại hình tương đối đặc biệt là cầu chùa, nhưng cấu trúc gỗ đơn giản thôi. Quan điểm bảo tồn, kể cả người Nhật cũng làm là hỏng đâu sửa đấy. Tình trạng của chùa, loại hình kiến trúc với tình trạng kỹ thuật của nó bây giờ, việc tu sửa rất khả thi. Ở Nhật cũng làm như thế. Việt Nam cũng phải làm như thế.
Trong quá trình trùng tu phải đảm bảo các biện pháp khoa học để làm sao không làm kiến trúc bị biến đổi, hạn chế đến mức thấp nhất. Công tác phân loại cấu kiện, tái sử dụng vật liệu cũ, gia cố, địa chất nền móng để làm công trình trở lại như cũ cần làm tốt hơn. Vấn đề này tôi nghĩ có nhiều người nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực trùng tu đều thể hiện quan điểm phải trùng tu ngay Chùa Cầu và phải giữ hình ảnh Chùa Cầu, bởi khi nó sập rồi thì chúng ta khó thể nào làm lại như cũ. Hơn nữa chúng tôi xét thấy kinh phí trùng tu không phải quá nhiều. Do đó, UBND tỉnh cần có quyết định mạnh mẽ hơn đối với việc trùng tu Chùa Cầu. Ở góc độ phối hợp với Nhật Bản, chúng ta cần làm rõ những hạng mục tham gia cụ thể, nếu họ không hỗ trợ thì chúng ta vẫn có thể làm được. Thêm lần nữa chúng tôi khẳng định, Chùa Cầu là công trình quan trọng và chúng ta cần phải thực thi trùng tu ngay trong năm 2021 này.
Phó Cục trưởng Cục Di sản Trần Đình Thành: Hạ giải là việc bình thường
Hiện nay, hệ thống chịu lực chính của Chùa Cầu đã xuống cấp rất rõ, đặc biệt bộ phận chịu lực quan trọng nhất gồm móng, mố, trụ nay đã tới lúc cần có giải pháp can thiệp trước khi quá muộn, nghĩa là phát sinh các dấu hiệu nguy hiểm. Các chi tiết trên khung gỗ, các mối nối, tường vôi của Chùa Cầu có nhiều vị trí bị ố đen, gỗ bị ăn mục, tường nứt ra, các khớp nối bằng gỗ bị mòn, mục và nằm vênh hẳn. Tôi đã tham vấn ý kiến chuyên gia của JICA và họ cho biết, việc trùng tu Chùa Cầu có thể sử dụng những camera tiên tiến để chụp hình lại những cấu kiện trên mái và dựng thành phim 3D, dựa trên kỹ thuật in 3D hiện đại để có thể phục hồi nguyên trạng.
Hạ giải là việc bình thường nhưng phải hết sức cẩn trọng vì đây là công trình đặc biệt. Nhiều ý kiến cho thấy ở Việt Nam đã có một số di tích được hạ giải để trùng tu nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác như đình Chu Quyến, Phu Văn Lâu... Vấn đề nữa là công tác tuyên truyền, làm sao để dư luận hiểu rằng việc hạ giải không có nghĩa là sẽ làm biến đổi di tích. Phải để công luận biết nếu triển khai tu bổ thì khả năng bảo tồn và kỹ thuật bảo tồn sẽ được thực hiện như thế nào, và khả năng đáp ứng của Hội An sẽ ở mức nào? Tôi nghĩ Hội An có kinh nghiệm bảo tồn, bằng chứng là hoạt động tu bổ di tích tại Hội An trong thời gian qua đã được làm rất tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân: Cần sự đồng thuận của người dân
Năm 2019, UBND tỉnh đã có chủ trương giao TP.Hội An làm chủ đầu tư việc trùng tu Chùa Cầu. Kinh phí trùng tu hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và Hội An. Nguồn kinh phí không phải là điều đáng lo. Lo nhất vẫn là trùng tu như thế nào, hạ giải một phần hay hạ giải toàn bộ, các biện pháp tổ chức trùng tu Chùa Cầu ra sao. Chùa Cầu là linh hồn, biểu tượng của TP.Hội An và của Quảng Nam. Nhưng cũng không thể thận trọng tới mức cứ ngồi đó không thể làm gì, chính điều này sẽ khiến Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng hơn. UBND TP.Hội An cần phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục, cũng như lấy ý kiến các bên có liên quan, lắng nghe tiếp thu ý kiến cần thiết, và cần phải có sự quyết liệt trong vấn đề này. Và điều quan trọng nhất cần phải có sự đồng thuận của người dân khi tiến hành công việc trùng tu.