Không gian phố cổ Hội An biến dạng
- Thứ năm - 08/10/2020 22:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không gian chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh, các không gian truyền thống bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ trên một tuyến phố ở Hội An. Ảnh: NGỌC PHÚC
Thay đổi chức năng nhà cổ
Theo báo cáo từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, toàn thành phố hiện còn 1.429 di tích, bao gồm cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong số này, khu vực phố cổ Hội An có khoảng 1.130 di tích, đa phần là công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở, trong đó, chỉ riêng nhà ở là 1.069 căn. Hơn 10 năm qua, gần 120 di tích nhà cổ đã bị chuyển nhượng mua bán, hầu hết phục vụ mục đích kinh doanh. Ngoài ra, trong 784 di tích thuộc khu vực I phố cổ, có đến 780 di tích được chủ hộ tổ chức hoạt động kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh buôn bán, con số này tăng khá nhanh trong vài năm gần đây. Việc chuyển hóa chức năng của các di tích sang phục vụ kinh doanh, nhất là với các căn nhà cho thuê hoặc chuyển nhượng cho người từ nơi khác dẫn đến di sản bị khai thác quá tải.
Ông Tống Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng VH-TT TP Hội An, nhìn nhận, việc chuyển hóa các di tích từ chức năng ban đầu chỉ để ở, hoặc có một phần diện tích kinh doanh sang sử dụng toàn bộ không gian ngôi nhà chỉ để phục vụ kinh doanh sẽ khiến không gian di tích bị biến dạng. Chưa kể, với việc đa số chủ hộ mới là những người nơi khác đến, không phải là cư dân phố cổ dẫn đến di sản bị khai thác quá tải cho mục đích kinh doanh, làm biến đổi không gian truyền thống di tích.
“Thay vì trước đây các ngôi nhà tồn tại một hoặc vài thế hệ, có không gian thờ tự, sinh hoạt, bếp…, dành một phần không gian phía trước để buôn bán nhỏ, thì nay toàn bộ không gian chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh, các không gian truyền thống bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ, các vật dụng trang trí, trưng bày theo kiểu truyền thống, được thay thế bằng các loại vật liệu hiện đại. Sự chuyển hóa không gian sống này sẽ dẫn đến sự thay đổi nếp sống, giá trị văn hóa ứng xử trong từng ngôi nhà ở khu phố cổ. Đó là hệ quả của việc các cửa hàng, cửa hiệu phát triển nhanh và ào ạt dẫn đến sự thay đổi, biến dạng không gian và công năng sử dụng của ngôi nhà”, ông Hưng phân tích.
Đặc biệt, sự thiếu ý thức của chủ di tích, chủ kinh doanh trong sinh hoạt, buôn bán và sử dụng di tích đã vô tình làm mất mỹ quan chung khu phố cổ, như trưng bày hàng hóa, trang trí không gian kinh doanh, sử dụng các thiết bị trưng bày hàng hóa theo phong cách hiện đại, không đúng quy cách; các vật liệu dễ cháy, sử dụng các thiết bị chiếu sáng nhiều màu sắc, cường độ cao làm che chắn hầu hết các không gian và các chi tiết kiến trúc có giá trị nghệ thuật của ngôi nhà.
Loay hoay tìm giải pháp
Thực tế, thời gian qua việc bảo vệ không gian, cảnh quan nhà cổ luôn được chính quyền TP Hội An quan tâm gắn liền với công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ. Có thể kể đến như: Quy chế Kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ; Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết, đặt bảng hiệu trên địa bàn thành phố; Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An… Hầu hết hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, tu bổ di tích được các ngành chức năng tham mưu cho UBND thành phố cấp phép đều phải tuân thủ các nội dung quy chế này.
Tuy nhiên, theo ông Võ Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, ngoài ý thức người dân chưa cao thì việc quản lý quá trình thực hiện các nội dung này của các ngành chức năng còn hạn chế, chưa nghiêm dẫn đến tình trạng trưng bày hàng hóa, che chắn di tích diễn ra tràn lan làm mất cảnh quan khu phố cổ, tạo nên hình ảnh không đẹp cho du khách. Qua kiểm tra của đơn vị, đã phát hiện nhiều chủ di tích không chỉ trưng bày hàng hóa tràn xuống vỉa hè mà còn thực hiện việc cơi nới, che chắn để tăng diện tích sử dụng kinh doanh; thậm chí lắp đặt các biển hiệu, quảng cáo, các thiết bị phục vụ sinh hoạt như điều hòa, ống khói, bồn nước, phơi phóng đồ dùng trong sinh hoạt không đúng quy định…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thừa nhận việc cho thuê, chuyển nhượng các ngôi nhà trong phố cổ thuộc quyền dân sự, thành phố khó có thể can thiệp. Cách duy nhất hiện nay là Nhà nước mua lại những ngôi nhà đó, nhưng điều này ít khả thi vì số tiền quá lớn, có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, chỉ còn cách kiểm tra quản lý chặt các trường hợp cơi nới, yêu cầu chủ nhà cam kết tuân thủ theo những quy định của thành phố trong quá trình kinh doanh buôn bán. Cũng theo ông Sơn, hiện nay Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An chưa được ban hành như một văn bản pháp quy đúng theo quy định.
“Thành phố đang xây dựng một quy chế tổng hợp về công tác bảo vệ khu phố cổ để trình UBND tỉnh ban hành theo quy định. Đây là công cụ pháp lý căn bản để Hội An sử dụng lâu dài trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ. Vì vậy bên cạnh việc tích hợp các nội dung của các quy chế hiện nay, chúng tôi sẽ xem xét nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các nội dung liên quan đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện tại”, ông Sơn cho biết.