Khoảng lặng nơi rừng dừa
- Thứ bảy - 27/03/2021 22:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trầm lắng
Xế chiều, mấy trạm vé nơi đầu đường vào khu rừng dừa Bảy Mẫu đều vắng ngắt. Bên dưới con lạch, ngót trăm chiếc thúng chai đủ sắc màu neo trơ trọi san sát nhau. Trước đây chưa có dịch, thời gian này là đã bắt đầu vào mùa cao điểm cả khách quốc tế lẫn nội địa.
Ông Nguyễn Ký - Trưởng thôn Vạn Lăng, nơi hầu hết hộ dân đều ít nhiều gắn với nghề du lịch cộng đồng, chia sẻ: “Mọi năm, cứ đầu giờ chiều là khách khứa, nhất là khách Hàn Quốc đổ về nườm nượp. Nhiều lúc đông quá không kiếm đâu ra đủ người chèo để biểu diễn, phục vụ khách bởi việc này đòi hỏi người chèo phải có kỹ thuật và sức mạnh. Còn bây giờ, họ tản ra làm đủ việc để cầm cự qua ngày rồi”.
Con số thống kê có thể chỉ ra sự khó khăn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại đây khi năm 2019 điểm đến này đón đến gần 900 nghìn lượt khách và riêng doanh thu từ bán vé tham quan đã đạt khoảng 27 tỷ đồng. Con số này nhỉnh hơn cả điểm đến làng gốm Thanh Hà và gấp vài trăm lần so với nhiều điểm du lịch cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh.
Còn ba tháng đầu năm 2021, Cẩm Thanh mới chỉ đón vài nghìn lượt khách khiến nhiều khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Đại diện Khu du lịch Vạn Dừa cho hay, đơn vị vẫn đóng cửa từ năm ngoái đến nay do doanh thu hàng ngày không đáp ứng chi phí vận hành tối thiểu cho 40 nhân viên.
Được biết, hai thôn Vạn Lăng và Thanh Tam vào lúc cao điểm có đến hơn 1.600 chiếc thúng chai phục vụ du khách. Ngoài ra, còn khoảng 200 thúng vãng lai từ Cẩm An (Hội An), Duy Vinh (Duy Xuyên) và cả TP.Đà Nẵng mưu sinh tại đây. Loáng thoáng dưới chòi lá ven sông, mấy người phụ nữ chờ khách đi thúng. Nhác thấy bóng người rảo quanh làng, họ đều đon đả chào mời. Với họ, bây giờ chỉ vài ba khách nhận lời lên thúng cũng đã là niềm vui.
Xoay xở bằng nghề truyền thống
Từ bao đời, ngư dân vùng sông nước Cẩm Thanh gắn bó với biển cả. Du lịch phát triển mạnh mẽ vài năm gần đây khiến một bộ phận lớn ngư dân ở đây xao nhãng nghề truyền thống và khi nguồn thu nhập từ du lịch bị gián đoạn, họ quay lại tìm sinh kế từ biển.
Ông Đỗ Đây (trú thôn Vạn Lăng) bộc bạch: “Mấy tháng nay tôi cùng một số bà con ở đây linh động trang bị máy bu gắn vào thúng để cải hoán hành nghề câu, lưới. Thu nhập bình quân chỉ bằng 1/2, 1/3 so với làm du lịch nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Sắp tới, chúng tôi sẽ duy trì song song việc phục vụ du khách và khai thác hải sản từ chiếc thúng này vào thời gian rỗi để có thu nhập cũng như giữ nghề truyền thống”.
Ông Nguyễn Ký thông tin thêm, trong thôn Vạn Lăng hiện nay cũng đã có trên dưới 10 hộ hoán cải phương tiện tạm thời để khai thác hải sản trở lại. Ở đây cũng còn một số hộ dân có tàu lớn kiên trì vươn khơi bám biển dài ngày, mỗi tàu giải quyết được 6 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, với hệ sinh thái thiên nhiên trù phú, người nông dân ở đây lại miệt mài với công việc hái lá dừa, ươm cá giống, buôn gánh những phiên chợ bằng chính sản vật quê nhà khi du lịch vẫn chưa thể sôi động trở lại.
Theo lời ông Đây, nếu không có mấy đợt dịch thi thoảng lại bùng phát thì chỉ với khách nội địa đến đây, người dân Cẩm Thanh cũng có thể vận hành suôn sẻ hoạt động du lịch, nhất là trong mùa hè. Ngành kinh tế hạt nhân để phát triển đô thị Hội An không gì khác ngoài du lịch, tuy nhiên với rủi ro về dịch bệnh, thiên tai liên tục trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy nhà quản lý và những người làm du lịch cần cố gắng tạo ra sự đa dạng trong cách tiếp cận thay vì “bỏ trứng cùng một giỏ”.
Mai này, rồi khách sẽ dập dìu trở lại. Nhưng Cẩm Thanh và cả những điểm đến khác đừng để mai một văn hóa, nghề truyền thống của làng. Bởi yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững trong du lịch đều phải bắt nguồn bằng các giá trị bản địa.