Khẩn trương tu bổ Chùa Cầu
- Thứ năm - 17/12/2020 21:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chùa Cầu sẽ được tu bổ trong năm 2021. Ảnh: V.L
Không thể chần chờ
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, di tích Chùa Cầu có giá trị rất quan trọng không chỉ của Hội An, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ hữu hảo Việt Nam – Nhật Bản hơn 300 năm qua. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được tu bổ kịp thời nguy cơ sụp đổ sẽ rất cao, nhất là trong tình hình Hội An thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ.
“Năm 2020 tỉnh Quảng Nam đã đồng ý giao Hội An làm chủ đầu tư và thống nhất trình HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ thành phố 50% tổng kinh phí tu bổ, nhưng do dịch bệnh, thiên tai nặng nề, tỉnh phải dồn sức khắc phục nên dự án không được bố trí vốn” - ông Sơn cho biết.
Chùa Cầu được người Nhật xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, kiến trúc gồm 2 thành phần là cầu và miếu thờ. Cầu có chức năng giao thông và miếu có chức năng thờ tự. Trong đó, kết cấu chịu lực chính của cầu gồm hệ móng, mố trụ ở bên dưới và hệ dầm, sàn, cột, giằng, vì kèo tạo thành hệ chịu lực chính ở bên trên.
Theo ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện tại bộ phận quan trọng nhất của di tích gồm móng, mô, trụ đã xuống cấp và có dấu hiệu nguy cấp. Cụ thể, nhiều bộ phận kết cấu mố trụ đã bị rạn nứt, riêng phần đáy của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm. Bên cạnh đó, gỗ cũng đã mục mọt, kết cấu xây long nứt, vỡ, ngói lợp bị xô, vỡ mục, ẩm rêu mốc… khiến di tích xuống cấp ngày càng nhanh hơn. Đặc biệt, phần chùa do đã lâu không được tu sửa cơ bản nên các liên kết lỏng lẻo, các kết cấu mục nát, phải chống đỡ tạm cho khỏi đổ sụp. Ngoài ra, hệ mái ngói, hệ tường bao che, đắp vẽ cũng đã bị hư hại, nứt nẻ… “Hiện trạng di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nên phải hạ giải để tu bổ lại, nếu không muốn di tích sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào” - ông Ngọc cảnh báo.
Xem xét hỗ trợ hiện vật
Tại buổi làm việc, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến thực trạng Chùa Cầu, nhất là tình trạng kỹ thuật và nguồn vốn phía Hội An có được trong việc tu bổ. Đặc biệt là các vấn đề giải pháp, pháp lý liên quan đến UNESCO, bởi Chùa Cầu là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, mọi thủ tục thỏa thuận, lập, phê duyệt dự án đều được Bộ VH-TT&DL cũng như UBND tỉnh xem xét thống nhất nên về mặt cơ sở pháp lý luôn đảm bảo. Đồng thời mong muốn JICA quan tâm hỗ trợ về tình nguyện viên là những chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn trùng tu (JICA có thể trả lương cho các tình nguyện viên này). Ngoài ra, JICA có thể hỗ trợ nhà bao che Chùa Cầu trong quá trình tu bổ nhằm làm nơi cất giữ vật liệu, cấu kiện Chùa Cầu trong quá trình tháo dỡ. Đây cũng là nơi để các chuyên gia làm việc, đặc biệt đảm bảo quá trình thi công không phụ thuộc thời tiết.
“Công trình Chùa Cầu rất nhạy cảm, nhiều hội thảo đã diễn ra nhưng khi bàn đến chuyện tháo dỡ thì đều bị báo chí phản đối vì họ sợ tháo dỡ sẽ mất đi tính nguyên gốc; tuy nhiên việc hạ giải đã được tính toán kỹ càng và được thực hiện khoa học, cẩn trọng nhất. Những cấu kiện hạ giải sẽ được tháo dỡ đánh dấu theo thứ tự, cấu kiện nào hư sẽ thay thế, cấu kiện còn tốt thì tận dụng lắp đặt lại đúng vị trí ban đầu. Hội An đã quyết tâm trùng tu Chùa Cầu, trước mắt năm 2021 thành phố sẽ bố trí khoảng 5 tỷ đồng, tạo điều kiện để lập hồ sơ thủ tục khởi công dự án bước đầu” - ông Sơn quả quyết.
Với những đề nghị của TP.Hội An, ông Shimizu Akira cho biết sẽ làm việc với các đối tác và các bên liên quan phía Nhật Bản. “Về hỗ trợ tài chính tôi còn phải tìm hiểu thông tin để trao đổi tiếp tục nhưng tôi biết là Chính phủ Nhật Bản hiện nay cũng đã có nguồn ngân sách dành cho UNESCO, nên hỗ trợ tài chính rất khó. Riêng với JICA không thể hỗ trợ bằng tiền nhưng sẽ có thể hỗ trợ bằng hiện vật như thiết bị nên khả năng chỉ có thể hỗ trợ một cách gián tiếp như mua bán thiết bị thôi” - ông Shimizu Akira nói.