Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Khai thác huyền tích thúc đẩy du lịch

Khơi gợi những giai thoại hấp dẫn, tạo ra các sản phẩm du lịch cộng hưởng từ huyền tích thú vị gắn liền điểm đến chính là dư địa rộng mở mà những người làm du lịch địa phương có thể khai thác với vốn liếng văn hóa, lịch sử vô cùng đa dạng trên địa bàn tỉnh.
TNB 42437
Giai thoại thú vị xung quanh giếng cổ ở Cù Lao Chàm khiến du khách tò mò khám phá. Ảnh: Q.T

Hiệu quả bước đầu

Tồn tại hàng trăm năm trên hòn đảo giữa biển khơi, giếng cổ xóm Cấm (Cù Lao Chàm, TP.Hội An) qua bao đời không khi nào cạn nước. Các cụ cao niên tại Cù Lao Chàm cho rằng, giếng cổ xóm Cấm còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho không ít thương thuyền cập bến vào đây trong giai đoạn mạng lưới hải thương châu Á ở thời kỳ hưng thịnh vào khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII.

Chưa có xác định thống nhất về niên đại của giếng, tuy nhiên với sự huyền bí và rêu cũ của di tích này, có một giai thoại về việc những người độc thân khi uống nước giếng thì liền sau đó sẽ “thoát ế”. Câu chuyện hư thực này khiến du khách nhất là giới trẻ “kháo nhau” khi ra Cù Lao Chàm nhất định phải ghé lại giếng xóm Cấm để… thử vận may.   

Ngược dòng sông Thu, chắc chắn du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên trên thuyền chia sẻ về câu chuyện một chuyện tình lãng mạn giữa cô thôn nữ hái dâu bên triền sông cất tiếng hát trong đêm trăng thanh được chúa Nguyễn Phúc Lan phải lòng đưa nàng về dinh và chung sống hạnh phúc. Chưa biết bối cảnh trên có đúng hoàn toàn không nhưng việc bà Đoàn Thị Ngọc trở thành Đoàn Quý Phi và sinh hạ thế tử Nguyễn Phúc Tần là câu chuyện có thật và đến bây giờ vẫn còn lăng mộ bà nép mình bên dòng sông hiền hòa. Hiện nay, huyện Duy Xuyên đang cố gắng phục hồi những biền dâu, nhất là đã có kế hoạch trùng tu lăng mộ “bà chúa tằm tang” Đoàn Quý Phi để nơi đây trở thành một điểm dừng chân độc đáo với dịch vụ đa dạng thay vì chỉ ngang qua vãn cảnh như lâu nay.

Ở miền trung du bán sơn địa Tiên Phước, thời gian gần đây, một số điểm đến cũng dần thu hút được sự quan tâm của du khách với vẻ đẹp yên ả, mộc mạc. Một phần cũng chính từ việc quảng bá về huyền tích vào thời hồng hoang, các tiên nữ đã rủ nhau hạ giới ngao du và bị hớp hồn bởi cảnh sắc trần giới nên đã tìm cách ở lại. Ngọc hoàng tuy nổi giận nhưng không nỡ xử phạt đã chấp nhận cho các tiên nữ giáng trần. Và 15 nàng tiên ấy đã gắn liền với danh xưng “thập ngũ tiên sa” của 14 xã và thị trấn Tiên Kỳ.

Dư địa rộng mở

Nhắc về các huyền tích, giai thoại hấp dẫn ở Quảng Nam không thể không nhắc đến Khu đền tháp Mỹ Sơn vốn được mệnh danh là thung lũng của thần linh và nghệ thuật. Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Duy Xuyên vào giữa năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, hiện nay vùng đông Duy Xuyên đón một làn sóng đầu tư rất lớn và bước đầu hình thành chuỗi điểm đến du lịch cao cấp nên rất cần tạo ra các sản phẩm độc đáo để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Những người làm du lịch cần phải nghiên cứu những câu chuyện, giai thoại hấp dẫn từ Khu đền tháp Mỹ Sơn để khai thác loại hình du lịch tâm linh, sẽ là sản phẩm hài hòa với các sản phẩm giải trí - nghỉ dưỡng cao cấp ở dải ven biển phía đông.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho hay, với kết cấu địa hình độc đáo cùng mảng xanh được mở rộng sau khi thành lập khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn, có nhiều hình ảnh độc đáo gợi sự liên tưởng dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử tôn giáo hết sức thú vị chào mời du khách khám phá. Đơn cử núi Hòn Đền là hình ảnh Lingapavati, thung lũng Mỹ Sơn là đại Yoni, suối Khe Thẻ là vòi Yoni theo quan niệm Hindu giáo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, qua khảo sát hoạt động du lịch tại một số nơi như Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)… người ta đã khai thác, lồng ghép rất tốt các yếu tố này để tăng thêm sức hấp dẫn và thu hút du khách hiệu quả. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm được với bề dày, chiều sâu văn hóa của vùng đất Quảng Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, thời gian qua tại rừng dừa Cẩm Thanh, hoạt động du lịch sinh thái đã rất phát triển. Nếu biết khéo léo khai thác câu chuyện về bà thứ phi triều Tây Sơn (quê gốc ở Cẩm Thanh) gắn với trái dừa nước và một số đặc sản khác tại địa phương sẽ tạo thêm nhiều điều mới mẻ khiến du khách tò mò khám phá.

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây