Hôn một lần ở Hội An
- Thứ hai - 12/10/2020 05:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội An không là quê
Mà là hương, khổ thế
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dễ gì
Mà là hương, khổ thế
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dễ gì
Hội An ẢNH: DƯƠNG MINH LONG
Phe-phô ta phe nào?
Ôi, A Di Đà Phật!
Cái phe toàn nước mắt,
Chỉ phô toàn khổ đau!
Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thủy triều
Xin chớ hôn gần bể
Từng đêm sóng đuổi người
Hồn ta hóa tượng Hời
Nửa khôn rồi nửa dại
“Anh là khỉ chùa Cầu”
Mắng xong anh, em khóc
Hương chùa hay hương tóc
Mắng khỉ mà người đau.
Thế rồi ta xa nhau
Anh lên đài Vọng Hải
Tìm em mùa hoa dại
Hoa đây còn em đâu?
Không cần gặp Thiên Tào
Đòi một đời hạnh phúc
Chỉ cần cùng nhau khóc
Một giờ trong cao lầu
(Hội An)
Đây là một bài thơ hiếm hoi của Chế Lan Viên, trong đó ẩn rất sâu những xúc động chân tình, những day dứt riêng tư nhất của nhà thơ. Nếu không phải Hội An, chắc gì Chế Lan Viên đã làm bài thơ ấy?
Nhiều năm trước, khi Hội An còn chưa là một thành phố thu hút du lịch đứng hàng đầu Việt Nam như bây giờ, tôi có bài viết Hội An - một giấc mơ trần thế. Sau nhiều năm, tôi thấy Hội An vẫn giống một giấc mơ, và vẫn đậm chất trần thế như hồi nào. Có lẽ đó là hai phía làm nên bản sắc của thành phố này.
Hội An, thành phố của chiều sâu
Hội An giành giải thưởng của CHLB Đức Nhiều văn nghệ sĩ đã về Hội An sống và làm việc từ nhiều năm nay, như nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long đã chọn Hội An làm nơi cư trú lâu dài, sau khi đã lang thang qua rất nhiều thành phố, từ Moscow tới Hà Nội rồi TP.HCM. Dương Minh Long chọn Hội An là một bất ngờ với tôi, vì tôi nghĩ Long là người năng động, “sống nhanh”, trong khi Hội An lại có nhịp độ sống chậm, thư thả. Cách đây rất nhiều năm, hồi cụ Bội Liên - một nhà Hội An học - còn sống, tôi đã từng tới thăm và trò chuyện với cụ về Hội An. Ngày đó, Hội An chưa lớn như bây giờ, nhưng vẫn là một Hội An thanh bình, nhỏ nhẹ, thật thà. Tôi có quen một nhà thơ lớn tuổi hồi ấy, ông sống ở Hội An trong một khu vườn nhỏ, và rất thích mời khách về nhà uống trà, uống mấy ly rượu mà ông ngâm các loại trái cây ngay trong vườn nhà. Những người ấy bây giờ đã là “những người muôn năm cũ”, nhưng Hội An thì đang mới ra từng ngày. Mới nhưng không chối. Vì bây giờ người ta sợ nhất là “mới mà chối”.
Những trái “bắp nấu di sản” ở Hội An vẫn còn, vẫn được bán với giá 3 nghìn đồng/quả, cái giá mà cách đây hơn chục năm đã khiến mấy anh em quê bắp sông Trà Quảng Ngãi chúng tôi cười vãi. Vì lúc đó ở quê tôi, có thể mua một nghìn đồng 3 trái bắp nấu cũng ngon như vậy. Nhưng cô bán bắp nấu ở Hội An đã nhẹ nhàng giải thích cho chúng tôi: Sở dĩ có giá ấy vì bắp nấu Hội An là “bắp di sản”. Chúng tôi gật đầu, chịu. Di sản có khác. Đó chính là thương hiệu của Hội An.
Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thủy triều
Đó là nói vui, nhưng có ẩn một phần sự thật. Hội An ngày trước nhỏ, như một cái làng. Lại là làng sát biển. Người ở đây thật thà, lại sống theo kiểu cổ, nên chuyện hôn hít ngoài đường hay bên bờ biển là hiếm lắm.
Một đời vang thủy triều
Bây giờ đã khác. Nhưng câu thơ Một đời vang thủy triều của Chế Lan Viên lại thêm một tầng nghĩa mới: Có những tiếng vang ở Hội An lặn sâu vào ký ức. Có những ký ức ở Hội An chợt vang trong hồn ta mỗi khi nhớ lại. Vì nơi ấy hội tụ những an lành. Nơi ấy khiến du khách tìm được những phút giây thư thả nhất, bình lặng nhất, mà cũng âm vang sâu thẳm trong tâm hồn nhất.
Nhà Hội An học Bội Liên đã mất, bây giờ nếu đề nghị tôi chọn một người tiêu biểu cho Hội An đương đại, tôi xin chọn anh Nguyễn Sự. Không phải vì anh Sự từng là chủ tịch, rồi bí thư thành phố Hội An, mà vì anh là người yêu Hội An ngay lành nhất, vô tư nhất. Không có một chút “lợi ích nhóm” nào dính vào con người từng làm lãnh đạo này cả. Riêng điều ấy đã vô cùng đáng yêu rồi. Đó là người nhỏ nhẹ như thành phố quê hương mình. Điều tối kỵ với Hội An chính là sự ồn ào, ầm ĩ. Thành phố này chỉ thích hợp với sự nhẹ nhàng. Bây giờ kinh tế thị trường, buôn bán thì phải có quảng cáo, có tổ chức sự kiện, có PR. Nhưng nên nhớ, với Hội An thì tất cả những hoạt động thị trường ấy phải lắng lại, phải nhẹ nhàng, trong một tiết nhịp gần nhất với nhịp tim con người.
Tôi từng viết: “Hội An có những nét thinh lặng tương đồng với Huế, nhưng cô đặc hơn”. Bây giờ, tôi vẫn mong Hội An tiếp tục là như vậy. Vì hiếm có thành phố di sản thế giới nào như Hội An, “di sản” tới từng trái bắp nấu, di sản tới từng ngôi nhà dân đang ở, và di sản ngay cả trong ý thức của những cư dân thành phố. Chả trách, kiến trúc sư và “nhà phát hiện Hội An” Kazik đã mê đắm Hội An ngay từ lúc nơi này mới là thị xã, nhỏ nhắn, mảnh mai như một cô con gái nhà lành. Nên nhớ, Hội An không thích hợp với sự đồ sộ. Nó không buộc du khách phải ngước nhìn, mà khiến du khách phải dừng mắt rất lâu trước những bức tường rêu phủ, những mái ngói rêu phong, những hoàng hôn màu lúa chín. Nó gợi ý cho du khách nhìn sâu vào từng con đường nhỏ, như để tìm lại tuổi thơ của mình. Nó có khả năng phối nhập cùng lúc cả quá khứ và hiện tại.
Chả trách, có thể chỉ hôn một lần ở đó, mà Chế Lan Viên có một bài thơ để đời.
Nhà Hội An học Bội Liên đã mất, bây giờ nếu đề nghị tôi chọn một người tiêu biểu cho Hội An đương đại, tôi xin chọn anh Nguyễn Sự. Không phải vì anh Sự từng là chủ tịch, rồi bí thư thành phố Hội An, mà vì anh là người yêu Hội An ngay lành nhất, vô tư nhất. Không có một chút “lợi ích nhóm” nào dính vào con người từng làm lãnh đạo này cả. Riêng điều ấy đã vô cùng đáng yêu rồi. Đó là người nhỏ nhẹ như thành phố quê hương mình. Điều tối kỵ với Hội An chính là sự ồn ào, ầm ĩ. Thành phố này chỉ thích hợp với sự nhẹ nhàng. Bây giờ kinh tế thị trường, buôn bán thì phải có quảng cáo, có tổ chức sự kiện, có PR. Nhưng nên nhớ, với Hội An thì tất cả những hoạt động thị trường ấy phải lắng lại, phải nhẹ nhàng, trong một tiết nhịp gần nhất với nhịp tim con người.
Tôi từng viết: “Hội An có những nét thinh lặng tương đồng với Huế, nhưng cô đặc hơn”. Bây giờ, tôi vẫn mong Hội An tiếp tục là như vậy. Vì hiếm có thành phố di sản thế giới nào như Hội An, “di sản” tới từng trái bắp nấu, di sản tới từng ngôi nhà dân đang ở, và di sản ngay cả trong ý thức của những cư dân thành phố. Chả trách, kiến trúc sư và “nhà phát hiện Hội An” Kazik đã mê đắm Hội An ngay từ lúc nơi này mới là thị xã, nhỏ nhắn, mảnh mai như một cô con gái nhà lành. Nên nhớ, Hội An không thích hợp với sự đồ sộ. Nó không buộc du khách phải ngước nhìn, mà khiến du khách phải dừng mắt rất lâu trước những bức tường rêu phủ, những mái ngói rêu phong, những hoàng hôn màu lúa chín. Nó gợi ý cho du khách nhìn sâu vào từng con đường nhỏ, như để tìm lại tuổi thơ của mình. Nó có khả năng phối nhập cùng lúc cả quá khứ và hiện tại.
Chả trách, có thể chỉ hôn một lần ở đó, mà Chế Lan Viên có một bài thơ để đời.