Hội An: Một bước chân qua ba nền văn hóa
- Thứ năm - 08/10/2020 04:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không quá phô trương, đắt đỏ, ở Hội An chỉ đơn giản là hòa mình vào một không khí dễ dịu khó quên, để tìm chút tĩnh thiền trong cuộc sống đầy vội vã này.
Vẻ đẹp cổ kính không trùng lặp
Tôi đến thăm phố cổ Hội An vào một buổi sớm tháng Tư đầy nắng cùng với toàn người trẻ hơn mình. Không gian phố Hội khi đó yên tĩnh đến lạ, nhưng rất phù hợp với những người muốn thoát ly hoàn toàn khỏi cuộc sống tất bật như tôi.
Giây phút ấy, cái ồn ã của một địa điểm du lịch vang danh thế giới chợt như tĩnh lại, không khí ngậm đầy âm hưởng cổ kính và thoáng chút linh thiêng. Người ta đột nhiên chậm hơn, cười lặng lẽ hơn và những dao động cuộc sống diễn ra trong một thước phim quay chậm lại.
Nhờ những thuận lợi về địa lý, khí hậu mà Hội An trở thành nơi “hội nhân - hội thủy, cận thị - cận giang”, thịnh vượng trong nhiều năm và tự tạo cho mình một vẻ đẹp không trùng lặp.
Có lẽ, ngay từ khi được chú ý và giành nhiều vị trí xếp hạng cao trong bản đồ du lịch thế giới, Hội An đã xác định ngay, mình phải là tiếng nói của một sự khác biệt, dửng dưng, lãnh đạm, thẳng thừng thách thức những điều nhàn nhạt, vô hồn từ văn hóa số đông và giải trí kiểu “mỳ ăn liền”.
Mà khác biệt thì ai chẳng thích!
Vậy nên, sự mộc mạc được người Hội An đưa vào cuộc sống thật hồn nhiên để gạt bỏ hết những thứ màu mè, rắc rối. Tôi đồ rằng, Hội An ngày nay, nếu có lộng lẫy, ồn ào, thì đó chỉ còn là sự lộng lẫy của bà cô già, vẫn cố ôm khư khư hình bóng thương cảng sầm uất với những đêm hội đèn lồng phiêu lãng của 600 năm trước mà thôi.
Quay ngược thời gian trở về thế kỷ 15, bên bờ sông Thu Bồn, một thương cảng quốc tế của những thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan với cái tên Hoài Phố đã ra đời và hoạt động sầm uất trong suốt 200 năm.
Dải đất bên sông Thu Bồn khi đó chỉ như cô thiếu nữ đôi mươi dậy thì, ngơ ngơ ngác ngác và lạ lẫm với sự thay đổi của chính mình. Tuy còn vụng về, thôn quê, nhưng vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của nàng đã không thể giấu nổi vào trong.
6 thế kỷ làm gạch nối cho hai nền văn hóa Đông - Tây, cô thiếu nữ rụt rè ấy nay đã trở thành một phụ nữ đẹp, tuy còn vọng chút hoài cổ, nhưng vẫn bừng bừng nhựa sống. Dường như cô đang tái hiện lại vẻ đẹp thế hệ người bà, người mẹ của cô đã từng gắng sức làm nên sự phồn thịnh của Hội An nhiều trăm năm về trước.
Tuy mang trên mình hàng loạt vết tích của hỗn loạn, chiến tranh, của sự lụi tàn dưới thời Pháp thuộc và của quá trình đô thị hóa ồ ạt thế kỷ 20, nhưng thật may mắn, vẻ đẹp hoài cổ, chậm rãi như một đứa trẻ đang say giấc nồng không ai nỡ đánh thức của Hội An vẫn chưa bị tàn phá.
Thậm chí, phố Hoài ngày nay còn trở thành một bảo tàng trên phố, một phòng tranh ngoài trời, thành nơi lưu giữ và bảo tồn rất nhiều kiến trúc truyền thống mà văn hóa Pháp, Nhật, Hoa, Việt… đã để lại đây từ thế kỷ 17. Màu nước xanh ngắt như ngọc lục bảo của biển Cửa Đại càng làm nổi bật lên những khu nhà theo kiến trúc thuộc địa màu trắng.
Nhịp sống và thời gian đương đại cũng phải dừng chân khi chạm vào màu mật ong trên những bức tường đá cổ kính, những ô cửa sổ hay mái ngói rêu phong. Gọi là tường cổ chưa hẳn đúng, vì chúng giờ đây đã được lộn nhào trong mới và cũ, hiện đại và cổ xưa hết rồi.
Tôi nghe kể, có anh họa sỹ đường phố trẻ tới Hội An rồi nhất quyết đòi ở lại để tìm hiểu nét đẹp của… tường. Anh thậm chí còn gọi đùa chúng là một Perfect Aging - một sự lão hóa tuyệt đẹp!
Đó chỉ là một trong rất nhiều người trẻ yêu văn hóa truyền thống tới đây đã không thể nào cưỡng lại vẻ duyên dáng và xưa cũ của những con phố cổ này - một di sản của thương cảng có tuổi đời 600 năm và nay là thiên đường của rất nhiều nghệ sỹ.
Tuy phải mang vác trọng trách với nhiều nền văn hóa Đông - Tây, nhưng Hội An không xáo trộn, chắp vá, mà rất thơ, rất mộc mạc và dung dị.
Đêm lễ hội đèn lồng, những gì tinh túy nhất của Hội An sẽ được đem ra “khoe” với du khách. Trong đêm hội, du khách không chỉ là người chứng kiến, mà còn là một phần quan trọng tạo nên lễ hội. Họ sẽ được hóa thân làm những vị khách ngoại quốc thuở xưa.
Đó có thể là một vị thương nhân ở lại vài tháng chờ gió thuận để tiếp tục dong thuyền, hay người thủy thủ dừng chân ghé vào cảng Hội An dạo chơi. Dù là ai, thì những người ở phía bên kia biển cả mênh mông, với những con sóng xanh đang nhẹ nhàng vỗ bờ cũng cần trò gì đó để thư giãn trong khoảng thời gian đợi chờ. Thế nên, phố đèn lồng ra đời.
Đoạn sông Thu Bồn qua Hội An ngày nay vẫn còn đó lễ hội đua thuyền như nhắc lại một thuở thương cảng sầm uất trên con đường tơ lụa nổi tiếng ở biển Đông.
Khách du lịch thường cho rằng, người Hội An bảo thủ khi vẫn khư khư giữ lấy thứ văn hóa phơi chim, phơi đèn lồng cũ kỹ của mình, mặc kệ cuộc sống hiện đại trôi qua trước mặt. Tôi thì khác. Tôi nghĩ rằng, họ đơn giản là rất hài lòng và tự hào với những gì thuộc về chính mình.
Đơn giản đó là cách để họ cất giữ kho ký ức về phố của mình, cất giữ những nét văn hóa nhiều năm gắn bó không thể nào chối từ. Người Hội An đủ tinh tế để dung hòa hai thứ văn hóa mới và cũ, truyền thống và hiện đại để tự tạo nên nét tĩnh thiền, thâm trầm cho mình như vậy.
Tờ giấy khai sinh của ai đã chót đề tên Hội An, thì họ sẽ lớn lên trong thứ văn hóa đượm mùi cổ kính ấy. Chẳng điệu đà, kiểu cách, phấn son lòe loẹt, cứ chân trần, đạp xe đi phơi chim giữa trưa nắng như một thú vui tao nhã mà thôi.
Theo chân những người trẻ là một hành trình thú vị, sôi nổi không giới hạn, dù là trong những không gian nhỏ bé nhất. Người trẻ yêu truyền thống theo cách riêng của họ. Cũng là thứ văn hóa trầm tích ngàn năm ấy với những ngõ nhỏ, phố nhỏ bình yên bên dòng sông Hoài, nhưng một khi người trẻ đã đến và thưởng thức, những giá trị truyền thống Hội An cũng sẽ được biến tấu theo luồng gió họ băng qua.
Tới đây, tôi chắc rằng, bạn cũng sẽ tìm lại được sự bình yên trong vội vã, trong sự hỗn loạn đẹp đẽ của Hội An. Một phần bởi tâm hồn người khách đến chơi chẳng bao giờ có thể thực sự tĩnh thiền.
Tất cả đã tạo nên một Hội An rất thơ!
Hội An đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Không kể các con phố sơn tường vàng là nơi hội họp, thì một số di tích ngày nay cũng trở thành điểm tham quan nổi tiếng như chùa Cầu, số khác thì đã trở nên hoang phế. Nhưng truyền thống vẫn luôn được giữ gìn và tiếp nối.
Theo một nghi thức có từ thế kỷ 16, vào đêm trăng lung linh 14 Âm lịch hàng tháng, những ngọn hoa đăng, những ánh đèn lồng gìn giữ nét tinh tế, chân thành của người Hội An sẽ được thắp lên. Một lần nữa, phố Hội và các du khách lại sẵn sàng cho một đêm lễ hội truyền thống mới bắt đầu.