Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Ươm mầm để bảo tồn nghệ thuật dân gian

Hội An đã có những cách làm sáng tạo để bảo tồn, phát huy giá trị văn nghệ dân gian trong đời sống đương đại. Đặc biệt, thành phố này đã góp phần quan trọng trong công tác thực hiện biểu diễn, tham vấn lập hồ sơ để nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các CCB dâng hương tưởng niệm
Các em CLB hợp xướng thiếu nhi Hội An biểu diễn hợp xướng
 

      Mặc dù thời gian qua, Hội An chú trọng phục dựng, biểu diễn thường xuyên phục vụ du khách các bộ môn nghệ thuật như hát bội; hát, biểu diễn dân ca (hò khoan, các điệu hò, lý, vè,...); trò chơi diễn xướng dân gian bài chòi, ca kịch bài chòi; diễn xướng, múa dân gian như hát múa đưa linh bả trạo, hát múa sắc bùa, hát múa tứ linh…, nhưng phải nhìn nhận thực tế là các bộ môn nghệ thuật cổ truyền này đang đứng trước nguy cơ mai một.

      Những bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống như bài chòi, dân ca, hò vè, tuồng… đang được những nghệ nhân cố gắng bảo tồn, gìn giữ, phát triển trong đời sống cộng đồng hiện đại bằng nhiều phương cách. Trong đó, đưa khán giả địa phương đến với sân khấu nghệ thuật dân gian, thắp lửa, ươm mầm tình yêu nghệ thuật cho thế hệ trẻ để bảo tồn, phát huy lâu dài nghệ thuật dân gian là câu chuyện dài hơi mà các cơ quan chức năng cũng như những nghệ nhân ở Hội An nỗ lực, bền bỉ thực hiện nhiều năm qua. Tháng 12.2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

      Từ trước thời điểm vinh danh ấy, vào năm 2010, gần di tích chùa Cầu, một lớp học dân ca, Bài chòi miễn phí được các nghệ nhân, diễn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An (Trung tâm) đảm nhận đã mở cửa. Hơn 10 năm trôi qua, những nghệ nhân ấy vẫn âm thầm, miệt mài truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, Bài chòi truyền thống cho các em thiếu nhi ở Hội An. Ban đầu học trò chỉ có vài ba em thích hát dân ca, Bài chòi, đa phần cũng là con, cháu của những nghệ nhân chuyên hát dân ca, Bài chòi của phố Hội. Người dạy cũng là những nghệ nhân, diễn viên thường biểu diễn Bài chòi, dân ca trong các đêm phố cổ của Hội An như nghệ nhân Lương Đáng, Thu Hương, Ngọc Huệ, Văn Quý,… Ngoài giờ làm việc, đi biểu diễn trong các đêm phố cổ, các anh chị tham gia lớp dạy miễn phí này với một niềm say mê, tận tâm. Bên cạnh những bài truyền thống, cơ bản, các thầy cô chọn hướng dẫn thêm các bài lời mới, phù hợp với đời sống hiện đại để các em dễ cảm nhận, tiếp thu, không nhàm chán. Lớp học mở cửa hằng đêm, mỗi buổi thu hút được 10-15 em tham gia, từ những lớp học ấy, đã phát hiện nhiều bạn trẻ có năng khiếu để bồi dưỡng, đào tạo lực lượng trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống.

      Khi được hỏi động lực gì để mọi người có thể duy trì lớp học hằng đêm hơn 10 năm như thế, các nghệ sĩ đều đồng lòng với một mục đích là vun đắp, khơi gợi và phát huy tình yêu, sự hứng thú với làn điệu dân ca, bài chòi truyền thống cho thế hệ trẻ ở Hội An. Bài chòi, dân ca đã trở thành sản phẩm nghệ thuật đặc trưng trong chương trình đêm phố cổ, thương hiệu du lịch của Hội An. Giữ lửa, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ấy cho lớp trẻ cũng là cách để những người đi trước thêm yêu nghề, gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống.

      Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi tại Hội An, Trung tâm đã chú trọng tổ chức hoạt động “ươm mầm dân ca” một cách bài bản, quy củ với ước vọng sẽ phát hiện, vun đắp bền vững những thế hệ trẻ tiếp nối, phát triển nghệ thuật dân gian. Bên cạnh những lớp học dân ca miễn phí, gần đây Hội An mở thêm lớp hợp xướng, đồng thời thường xuyên tổ chức các sân chơi để văn nghệ dân gian hồi sinh, lan tỏa trong cộng đồng như các hội diễn, liên hoan, hội thi hát ru, đàn và hát dân ca, liên hoan nghệ thuật tuồng, thi hát dân ca, bài chòi giữa các trường,….

      TP Hội An cũng nỗ lực triển khai thể nghiệm chương trình sân khấu học đường ở một số trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS), từ đó truyền dạy những cảm nhận cơ bản, lan tỏa tình yêu, trân quý âm nhạc dân gian truyền thống cho các bạn trẻ. Đồng thời phát hiện, tìm kiếm những học sinh có năng khiếu âm nhạc, chất giọng tốt, yêu thích nghệ thuật truyền thống để tiếp tục bồi dưỡng. Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức lớp truyền dạy dân ca Hô hát Bài chòi cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố, duy trì hơn 40 buổi học/năm. Ngoài ra, trong dịp hè, Trung tâm phối hợp mở các lớp miễn phí dạy hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc,… cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố.

      Đến nay đã có hơn 2.000 lượt học sinh tham gia các hoạt động truyền dạy, các lớp học miễn phí nói trên được học hát để tiếp cận và yêu thích bộ môn hát dân ca, múa dân gian, hát bội; nhiều em trở thành các hạt nhân hát bài chòi ở cơ sở, trường học. Bằng cách “mưa dầm thấm lâu” như Hội An, các anh chị nghệ nhân nghệ sĩ cùng những câu hò, điệu lý, các làn điệu dân ca đậm chất văn hóa dân gian đã chiếm được vị thế nhất định trong lòng khán giả.

      Và cũng chính những nghệ sĩ ấy sẽ lưu giữ ngọn lửa yêu nghề, nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa và trao truyền tình yêu nghệ thuật dân gian cho những bạn trẻ ở Hội An chính bằng những hành động cụ thể, mà những lớp dạy dân ca, bài chòi, hát bội, múa dân gian... miễn phí ấy chính là minh chứng thực tế nhất. 

Tác giả: KHÁNH CHI

Nguồn tin: baovanhoa.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây