Hội An hướng đến "thành phố sáng tạo"
- Thứ sáu - 26/08/2022 04:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã trở thành hoạt động truyền thống, năm nào TP.Hội An cũng tổ chức hội thi hô hát bài chòi (trừ 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19) và đạt được thành công hơn cả mong đợi. Hội thi đã thu hút, giới thiệu diễn viên quần chúng tham gia diễn xướng, có triển vọng trở thành những anh hiệu, chị hiệu tài năng trong tương lai.
Hội thi cũng đã tạo hấp lực mạnh mẽ đối với đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng thức, tìm hiểu loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.
Lồng ghép trong các chương trình tổng hợp đón giao thừa hằng năm luôn có các hoạt cảnh, tiết mục hô hát bài chòi đố vui cũng tạo sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và khách du lịch. Điều đó thể hiện ý thức bảo tồn và phát huy một cách sáng tạo các giá trị văn hóa của những người làm công tác văn hóa – văn nghệ Hội An.
Từ chỗ chỉ là trò chơi dân gian, Hội An đã dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian bài chòi” và liên tục được cử tuyển hoặc mời chọn tham dự các liên hoan nghệ thuật dân gian, dân ca cấp khu vực cũng như toàn quốc.
Liên tục nhiều năm qua, bài chòi Hội An còn được mời diễn giao lưu văn hóa quốc tế, từ châu Á sang châu Âu rồi đến châu Úc… Trò chơi bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và du khách khi đến tham quan khu phố cổ.
“Trong quá trình làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận di sản bài chòi thì Hội An trở thành một bộ phận rất quan trọng trong việc thực hành văn hóa bài chòi, tức là thực hành trò diễn bài chòi trong đời sống đương đại” - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông (Hội An) cho biết.
Ở Hội An, ngành quản lý và bảo tồn cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và đương đại như thơ, ca nhạc, họa… để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch riêng có.
Các tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên ngày càng được nhận diện sáng tỏ. Trong đó việc kết nối di sản phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống đã có những kết quả đáng mừng.
Các sản phẩm làng nghề truyền thống, yến sào, đèn lồng, ẩm thực cùng với chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Hội đèn lồng”… đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, hấp dẫn…
Việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của nghề là hướng đi đúng đắn, phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Ngoài 2 khu trưng bày lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng, thành phố còn thành lập thêm 4 bảo tàng chuyên đề gồm: Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa sa huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian và Bảo tàng Nghề y truyền thống, phục vụ cho hàng triệu du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Hoạt động của các bảo tàng chuyên đề đã tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những tinh hoa văn hóa Hội An.
Ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, các hiện vật, di vật, báu vật, cổ vật là một trong những yếu tố cấu thành di sản phố cổ. Nếu thiếu chúng thì giá trị kiến trúc và văn hóa sẽ giảm đi. Nó như một vật chứng sống để tìm hiểu thêm về Hội An.
TP.Hội An đang xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực “Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian” theo đề nghị của các chuyên gia UNESCO và các nhà nghiên cứu.
Tiếp tục phục hồi và phát huy một cách sáng tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như đã và đang làm, tin rằng Hội An sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và đặc sắc, trở thành điểm đến trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.