Giữ bờ biển Cửa Đại
- Thứ hai - 26/10/2020 21:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gia cố chống sạt lở tại bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).
Sóng công phá hàng dừa
Đến bờ biển Cửa Đại trong những ngày này, đập vào mắt là sự tan hoang, nhiều thân cây dừa do bị biển lấn, cát lở bật gốc đổ ngổn ngang. Đoạn sạt lở bờ biển dài hơn 1 km, xâm thực từ 5 - 10 m. Ngày 19-10, lãnh đạo thành phố Hội An (Quảng Nam) đã có cuộc họp khẩn cấp thi công giữ bờ, hạn chế xói lở mở rộng thêm trong những ngày tới. Phương pháp tạm thời, trải vải địa, sử dụng loại túi hai tấn chứa cát bên trong, xếp lớp nghiêng hợp lý, phía trong là những bao cát nhỏ tạo con đê giữ bờ trong, chặn sóng ngoài. Tại đây, máy xúc, máy múc cùng với lực lượng thanh niên và các đơn vị đóng trên địa bàn được huy động góp sức vá lấp hố sâu theo dọc bờ biển... Tất cả đang chạy đua với thời gian.
Chứng kiến cảnh thi công với những vui, buồn. Ông Lê Văn Tùng, trú tại đường Âu Cơ (phường Cửa Đại, Hội An), cho biết: “Chưa bao giờ cái cảnh sạt lở lại dữ dội như trong những ngày gần đây. Sóng quá lớn, nước cao tạt bờ vào đúng thời điểm mưa lũ, bão liên tiếp”. Nhiều nhà hàng tư nhân nằm bên bờ biển Cửa Đại, trong nhiều tháng qua đã không có khách vì dịch Covid-19. Nay, bão về, lũ đến, sóng to, gây nên những sụt lún nghiêm trọng, thu hẹp diện tích kinh doanh. Nhiều nhà hàng có nguy cơ mất địa điểm kinh doanh vì biển lấn. Anh Trần Văn Thìn, chủ một nhà hàng, than thở: “Nhà hàng của tôi bị sạt khoảng ba mét rồi. Cứ tình hình sóng gió này, dễ dàng mất hết. Mong muốn chính quyền cùng đoàn thể khẩn trương tu bổ, gia cố bãi biển, để dân còn có nhà hàng, còn có cái để làm ăn”. Chạy dọc bờ biển Cửa Đại, có hàng trăm nhà hàng, họ có một nỗi lo chung sạt lở. Nhiều khách sạn đứng trước nguy cơ mất bể bơi vì nước biển “chạm” chân móng tường.
Vườn dừa Cửa Đại có độ dài
300 m, đây cũng là điểm nóng sạt lở trong những năm qua. Ông Lê Văn Tùng cho hay: “Năm nào cũng lở, cũng đổ cây. Nhiều người dân chúng tôi ở đây lo lắng, bất an. Mất vườn dừa, mất cảnh quan của biển. Không vui được”. Ghi nhận không khí lao động khẩn trương tại hiện trường, có cả những thanh niên nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hội An cũng cùng tham gia vác bao cát, gia cố bờ biển. Về thời tiết trong những ngày này, anh Nguyễn Văn Hùng, thuộc đoàn thanh niên lao động ở đây, cho hay: “Hôm qua (20-10), mưa suốt ngày, chúng tôi làm việc khó khăn hơn sáng nay. Hôm nay, trời không mưa, nhưng gió mỗi lúc càng mạnh, sóng táp bờ cũng mạnh hơn. Rất khó khăn trong công việc gia cố, chắn sóng này”.
Thời tiết chiều 21-10 tại Hội An, bắt đầu mưa trở lại, gió thổi cũng bắt đầu mạnh hơn. Những thanh niên cũng đang vật lộn trong mưa, trong gió, mong sớm hoàn thành gia cố bờ biển.
Và sạt lở kéo dài
Quan sát của chúng tôi, dọc bờ biển kéo dài 5 km, từ biển Cửa Đại qua biển Tân Thành đến bãi biển An Bàng thuộc hai phường: Cửa Đại, Cẩm An (Hội An) đều có những đoạn biển lấn. Tác hại sạt lở khôn lường mỗi mùa mưa bão. Chủ nhà hàng Jang Jang, cho biết: “Mọi năm không như ri. Sạt lở chỉ ở phía nam tiếp giáp bờ biển Cửa Đại. Năm nay, biển An Bàng cũng có chỗ sạt”. Có nhà vườn rộng 1.500 m², có bờ biển dài 36 m, chị Nguyễn Thị Hà, nhà 42 đường Nguyễn Phan Vinh (Cẩm An, Hội An), cho biết: “Nước biển năm nay nó xoáy dữ quá. Sạt lở tùm lum”.
Chiều dài bờ sạt lở phía bắc biển Hội An đang có nguy cơ kéo dài gần đến bờ biển Hà My thuộc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Trở lại với điểm nóng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Dấu ấn du lịch biển của thành phố Hội An in đậm trong lòng người dân cũng như tâm trí của khách du lịch khi đến bờ biển này, đó là vườn dừa thơ mộng, vươn cao. Với chiến dịch “còn nước, còn tát” chạy đua với thời gian, quyết tâm gia cố bờ biển, ông Lê Công Sĩ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, cho biết: “Trong những ngày qua, UBND phường Cửa Đại đã huy động lực lượng dân quân, dân phố, cán bộ, công nhân viên chức lao động và các hội đoàn viên đoàn thể cùng một số nhóm tình nguyện viên gia cố bãi biển Cửa Đại”.
Sạt lở bờ biển Cửa Đại đang là công việc cấp thiết, ông Phan Văn Điểu, Trưởng ban Quản lý Dự án quỹ đất Hội An cũng là đơn vị thi công chống sạt lở bờ biển, bày tỏ: “Cách gia cố này cũng chỉ là cách làm khẩn cấp”. Lo lắng sạt lở, mất bờ biển đẹp của thành phố du lịch Hội An, ảnh hưởng đến các nhà hàng khách sạn ven biển, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: “Hiện tại, đã gia cố được 40% trong chiều dài sạt lở hơn 400 m bờ biển. Khoảng 17 giờ chiều 22-10, chúng tôi sẽ hoàn thành 100% việc gia cố các nhà hàng tại đây”.
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư con đê chắn sóng dài 220 m, với nguồn vốn 40 tỷ đồng tại biển Cửa Đại. Chiều dài 1 km bờ biển còn lại sẽ được T.Ư đầu tư 300 tỷ đồng. Theo thiết kế công trình, đê ngầm chắn phá sóng từ xa. Đê chạy song song và cách bờ 250 m, vật liệu được làm bằng đá hộc, bê-tông xếp chồng lên nhau nhằm hạn chế tối đa tác động của sóng vào bờ.
Link gốc: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/giu-bo-bien-cua-dai-621499/
Ngày đăng: Thứ Năm, 22-10-2020, 17:34