Đưa di sản đến với công chúng
- Thứ hai - 04/10/2021 23:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Livestream giới thiệu hiện vật
Cuối tháng 8, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An tổ chức hoạt động “Một giờ tham quan bảo tàng” bằng hình thức livestream thông qua Facebook Bảo tàng Hội An. Chủ đề đầu tiên, giới thiệu về hiện vật “Cối xay lúa” được trưng bày tại không gian Nghề nông của bảo tàng đã thật sự gây ấn tượng với nhiều người xem.
Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng (Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết), do tình hình dịch bệnh Covid-19, hệ thống các phòng trưng bày thuộc Bảo tàng Hội An trong khu phố cổ phải tạm ngừng đón tiếp khách. Do đó, công tác tuyên truyền phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động tham quan trực tiếp tại bảo tàng cũng tạm dừng.
Để thích ứng với bối cảnh mới, Bảo tàng Hội An đã linh động chuyển đổi từ hình thức tuyên truyền trực tiếp sang tuyên truyền gián tiếp. Điều này sẽ phần nào thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của công chúng khi phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.
Ở bất kỳ đâu, chỉ cần có thiết bị điện tử thông minh kết nối internet, người dân có thể dễ dàng tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật thông qua các hình thức trực tuyến của đơn vị.
Khi chủ đề về hiện vật “Cối xay lúa” phát trên trang Facebook Bảo tàng Hội An, lượt người xem và chia sẻ khá đông. Điều này tạo động lực để hệ thống Bảo tàng Hội An tiếp tục làm thêm các buổi livestream về những chủ đề khác.
Mới đây, nhân dịp Tết Trung thu, chủ đề về “Nghề làm đầu thiên cẩu ở Hội An” được phát livestream nhận được sự quan tâm của khán giả.
Tài khoản Kreta chia sẻ: “Nhớ tuổi thơ cùng mấy đứa bạn nối khố, làm lân thủ công thi với lớp khác chỉ là phụ mà đi khuấy động xóm làng là chính. Giờ nhìn mấy bé nhỏ cùng ngồi cụm lại thấy dễ thương ghê!”.
Bà Lê Thị Tuấn nói thêm, sau thời gian phát trực tiếp, bảo tàng cũng đã đón nhận những góp ý và tiếp thu những phản hồi để hoạt động tuyên truyền bằng hình thức livestream được tốt hơn.
Được biết, hệ thống bảo tàng Hội An là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu, điều tra, khai quật khảo cổ học, dân tộc học, nhân học và về lịch sử văn hóa Hội An của các lớp người Hội An.
Tổng số hiện vật trưng bày tại các bảo tàng ở Hội An hiện nay lên đến hơn 2.700 hiện vật, chưa kể số lượng lớn hiện vật lưu giữ trong kho. Các hiện vật này đã được thiết lập, xây dựng hồ sơ đầy đủ từ lý lịch hiện vật, sổ đăng ký kiểm kê bước đầu, sổ phân loại...
Ứng dụng công nghệ quảng bá di sản
Bà Lê Thị Tuấn cho biết, thời gian tới, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ tổ chức thường xuyên hoạt động “Một giờ tham quan bảo tàng” bằng nhiều hình thức khác nhau.
Mỗi tháng sẽ có một chủ đề phù hợp tại các bảo tàng chuyên đề, phục vụ nhu cầu tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa Hội An nói chung, liên quan đến hiện vật trưng bày bảo tàng nói riêng.
Điều này tạo cơ hội để công chúng tiếp tục được tham quan các bảo tàng chuyên đề ở Hội An trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong điều kiện các di tích tạm dừng đón khách, phương thức duy nhất đưa di sản đến với công chúng vào thời điểm này chính là giới thiệu qua hình thức trực tuyến.
Đây cũng là cách nhiều nơi trên cả nước đang thực hiện để đưa các nội dung quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách.
Ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, ứng dụng công nghệ không chỉ là giải pháp kết nối công chúng, nhà nghiên cứu với di sản trong tình hình dịch bệnh phức tạp, mà còn là xu hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trong thời đại mới.
“Các đơn vị quản lý di sản cần xây dựng những chương trình ứng dụng công nghệ dễ sử dụng với thiết bị cầm tay thông minh; đồng thời tích cực vận dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu quả truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của vật trưng bày đến công chúng” - ông Nguyễn Văn Huy nói.
Tại Diễn đàn trực tuyến mới đây do Bộ VH-TT&DL tổ chức, kết nối với ngành văn hóa của 63 tỉnh thành về “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành VH-TT&DL”, nhiều đại biểu đề xuất thiết lập các kênh trực tuyến để quảng bá văn hóa nghệ thuật.
Theo đó, xu hướng ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản. Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình số hóa di sản này.
Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện một sớm một chiều. Để số hóa di sản đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về kinh phí, thời gian, trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực. Trước mắt, câu chuyện tự thích ứng như tại Bảo tàng Hội An là một cú hích để ngành văn hóa có những hành động cụ thể trong quá trình chuyển đổi số của mình.