Điểm hẹn lễ hội Cầu Bông
- Chủ nhật - 31/01/2021 20:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ sáng sớm du khách và người dân trong vùng đã nô nức tụ họp về làng rau tham dự lễ hội. Khởi đầu là hoạt động múa lân sư rồng cùng các nghi thức cúng tế, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn sự hanh thông, mùa màng tươi tốt.
Ông Nguyễn Hoang - một người dân địa phương cho biết, lễ hội Cầu Bông là hoạt động tín ngưỡng tâm linh diễn ra hàng năm nhằm không chỉ thể hiện niềm thành kính, tri ân công đức tiền nhân mà còn là cơ hội tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng xã, gắn kết cộng đồng. Vì vậy mỗi năm đến dịp lễ hội Cầu Bông, dù đi đâu, làm gì ông cũng cố gắng quay về làng tham gia.
Điểm nhấn của lễ cúng Cầu Bông chính là các hoạt động giao lưu giữa cộng đồng và du khách thông qua các trò chơi dân gian như bịt mắt đập om, thi làm đất cấy cải, trưng bày mâm cỗ ngày tết, thi múa dưỡng sinh… Qua đó kết nối dân làng với bạn bè thập phương cùng hòa mình vào lễ hội.
Ông Ben Jones - du khách đến từ Brighton, Vương quốc Anh cho biết, ông tới Hội An đã được một tuần và quyết định lưu lại lâu hơn so với kế hoạch bởi du lịch cộng đồng tại Hội An rất độc đáo, nhất là cảnh sắc làng quê của vùng đất di sản. “Gần như ngày nào vợ chồng tôi cũng ra làng rau Trà Quế để xem nông dân canh tác và trực tiếp trải nghiệm các công việc này” - ông Ben Jones nói.
Cũng theo ông Ben, ở nước Anh các hoạt động nông nghiệp gần như đã được cơ giới hóa nên việc khám phá các hoạt động sản xuất tại Trà Quế đem lại cảm giác mới mẻ và hấp dẫn với vợ chồng ông.
Làng Trà Quế là một trong những vùng đất được các cư dân người Việt khai phá cách nay gần 400 năm. Danh xưng đầu tiên của Trà Quế là Như Quế. Trong những dịp du ngoạn qua làng, các chúa Nguyễn nhận thấy hương thơm của rau giống như cây trà, cây quế nên vua sắc phong cải sửa tên làng thành Trà Quế nhằm tôn vinh hương thơm của cây rau quế.
Hiện tại, tổng diện tích trồng rau của làng khoảng 18ha với 200 hộ dân tham gia. Doanh thu từ làng rau mỗi năm ước đạt hơn 20 tỷ đồng, riêng doanh thu từ bán vé du lịch khoảng 500 triệu đồng. Đến nay, bên cạnh cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện thì việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cũng được chú trọng. Trong đó, việc đa dạng hóa các chủng loại rau và phát triển làng nghề theo hướng du lịch đã phát huy hiệu quả, Trà Quế trở thành điểm đến tham quan không thể thiếu của du khách khi đến Hội An.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc tổ chức lễ hội Cầu Bông nằm trong kế hoạch quảng bá, nâng cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng ven đô để kéo giãn du khách, giảm tải áp lực cho khu vực phố cổ; đồng thời cũng là hoạt động bồi đắp những giá trị văn hóa, tâm linh của quê hương xứ sở. Do đó những năm gần đây lễ hội Cầu Bông được nhân rộng và phát triển thành lễ hội cấp thành phố.
31/01/2020 15:51 | QUẢNG NAM ONLINE