Đi thuyền trên phố cổ ngập nước đã trở thành sản phẩm du lịch của Hội An
- Thứ tư - 18/11/2020 23:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu như lũ quét gây sạt lở, ngập nhà ở thượng lưu sông Vu Gia, Thu Bồn gây nỗi hoang mang lo sợ cho người dân, thì ở hạ lưu - phố cổ Hội An, người dân đón cảnh ngập lụt bình thản vì thực trạng này xảy ra gần như thường niên. Thậm chí với nhiều du khách, được lội nước, đi du thuyền trên phố cổ chìm trong lũ lại là một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Từ hôm qua, 7.10, nhiều nhóm thể thao mạo hiểm đã đăng thông tin dự báo Hội An ngập lụt và hẹn hò nhau mang SUP về phố cổ để rong chơi.
Trong khi đó, các địa phương ở thượng nguồn như Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc..., người dân đang vất vả chạy lũ, hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong lũ, sinh hoạt khó khăn. Hiện, nhiều đoạn trên tuyến ĐT 609 nối từ xã Đại Đồng lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, huyện Đại Lộc bị ngập sâu, gây chia cắt. Các huyện miền núi Tây Giang, Trà My của Quảng Nam cũng đang lâm cảnh cảnh sạt lở, tắc đường, trôi nhà...
Lũ lụt dâng cao ở hạ lưu một phần do mưa lớn, dồn dập, tập trung cực đoan ở một số nơi. Thực tế, các thủy điện hiện chưa xả lũ. Trong đó, Thủy điện Sông Tranh 3 là công trình thủy điện rất nhỏ trên nhánh sông Trường - Nước Oa, là thủy điện bậc thang, không có hồ chứa nên nước chảy tự do qua tổ máy chứ không phải xả lũ. Còn thủy điện lớn có ảnh hưởng đến hạ du nhiều là Thủy điện Sông Tranh 2 hiện vẫn chưa đầy hồ.
Cty Thủy điện Sông Tranh2 cho biết, hồ chứa thủy điện này có dung tích chứa 720 triệu mét khối nước, đến trưa nay- 8.10, hồ mới chứa được hơn 320 triệu mét khối. Vì vậy, còn có thể chứa hơn 400 triệu mét khối nước nữa, nên Thủy điện Sông Tranh 2 chưa xả nước điều tiết lũ. Các hồ đập khác vẫn đang quá trình trích nước và trong tầm kiểm soát, không có hiện tượng xả đập, gây lũ cho hạ du như một số tin đồn.