Di sản thích ứng với khí hậu LÊ QUÂN
- Thứ sáu - 08/01/2021 04:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sống chung với biến đổi
Sau cơn bão Molave hồi cuối tháng 10, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, may mắn là hầu hết di tích đều không bị hư hại nhiều. Trước mùa mưa bão hằng năm, trung tâm đều tổ chức tập huấn cách chống bão cho cán bộ, nhân viên làm việc tại các bảo tàng, di tích, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát lại toàn bộ di sản, nắm tình hình và lên kế hoạch phòng chống cụ thể cho từng di tích. Qua kiểm tra, di tích nào có dấu hiệu dễ sụp đổ, nứt vỡ… sẽ được đề xuất phương án sửa chữa, nhẹ hơn sẽ được mua các trang thiết bị chống đỡ, gia cố.
Khi có công điện báo bão, trung tâm lập tức chuẩn bị công cụ, dụng cụ, huy động mọi nguồn lực để ứng phó. Nhà ở, các nhà thờ tộc, hội quán, Chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, gốm sứ Mậu Dịch, chùa Ông… trong khu phố cổ được ưu tiên bảo vệ. Vấn đề chuẩn bị vật liệu tu bổ di tích như gỗ, ngói âm dương cũng được đặt ra cấp thiết để tìm giải pháp tối ưu trong điều kiện có thể. Phong trào trồng cây xanh chắn gió, phòng hộ ở các bãi biển, triền sông, cồn bãi... được phát động sâu rộng tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động hằng ngày lên đời sống của người dân Hội An, vì vậy địa phương huy động mọi nguồn lực để ứng phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại…
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài. Việc sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng như bão kết hợp thủy triều, lốc xoáy kết hợp mưa lớn... khiến các di tích khó được bảo toàn.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm các di sản văn hóa và thiên nhiên đồng thời là các tài nguyên du lịch phân bố trải dài ven biển dễ bị thiệt hại. Các bãi biển tại Hội An là ví dụ cho sự mất mát vì biến đổi của tự nhiên. Ngoài ra, những tác động của khí hậu còn ảnh hưởng đến các nghệ nhân - chủ nhân của các biểu hiện và hoạt động văn hóa. Đó là làm thay đổi lối sống, cách làm việc, thờ tự của các cộng đồng và xã hội tại các công trình xây dựng và cảnh quan, có khả năng làm cho con người phải di chuyển chỗ ở và từ bỏ di sản của họ.
Nhận thức về hiểm họa
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, lồng ghép nhiệm vụ thích ứng với biến đổi vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trên địa bàn. Đây chính là cơ hội để các di tích, di sản thích ứng và có phương pháp bảo tồn thích hợp trước những tác động ngày một mạnh mẽ của biến đổi khi hậu.Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của biến đổi khí hậu đến những người ở vùng có di sản văn hóa, giúp họ phát huy tri thức bản địa để tìm ra phương thức ứng phó hiệu quả.
Theo GS-TS.Lưu Trần Tiêu - nguyên Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, việc hạn chế tác hại của thiên nhiên, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với Việt Nam. “Bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại như chống mối mọt, tu bổ các bộ phận bị hư hỏng, gia cường, gia cố, diệt trừ cây leo gây hại, bảo quản định kỳ, cần nghiên cứu triển khai số hóa dữ liệu về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Ngoài ra, cần ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học, công nghệ hiện đại trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên” - GS-TS.Lưu Trần Tiêu chia sẻ.
UNESCO khuyến cáo các địa phương cần xác định trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn và các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể. Bên cạnh đó, cần tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bao gồm cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản.
Bà Phạm Thúy Loan (Viện Kiến trúc quốc gia) cho rằng, việc tôn trọng phương pháp thiết kế truyền thống trong việc bảo tồn và xây dựng mới chính là chìa khóa để kế thừa và phát huy những giá trị của công trình di sản trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mỗi công trình di sản là một kho kinh nghiệm thiết kế với nhiều tính năng bền vững, phù hợp với từng khí hậu và địa điểm...