Để khu phố cổ Hội An thức giấc
- Thứ ba - 05/01/2021 21:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuối tuần qua, UBND TP.Hội An tổ chức buổi tọa đàm về tình hình cư trú và kinh doanh tại các di tích ở khu phố cổ Hội An trong bối cảnh dịch Covid-19. Tham dự tọa đàm có đại diện của hơn 100 doanh nghiệp và cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực phố cổ.
Dè dặt mở cửa
Năm 2019 Hội An đón 5,35 triệu lượt khách và gần như tất cả du khách trên đều ghé qua khu phố cổ trong hành trình du lịch tại thành phố này. Vốn chỉ gói gọn trong không gian nhỏ nên hầu như mọi thời điểm trong năm không khí ở khu phố cổ đều sôi động với nườm nượp du khách. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến khu vực này trở nên hiu hắt từ đầu năm.
Qua khảo sát, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát, chỉ còn 155 di tích, nhà ở tại đây mở cửa. Đến gần đây, tình hình có khá hơn khi số lượng di tích, nhà ở mở cửa tăng lên hơn 330, tuy nhiên con số này cũng mới chỉ chiếm chừng 40% tổng số di tích, nhà ở trong phố cổ.
Theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện nay số cửa hiệu hoạt động trở lại phần lớn nằm ở các tuyến đường rìa của khu phố cổ, bởi ở đây vẫn thu hút được lượng tương đối du khách nội địa và người dân địa phương sử dụng dịch vụ.
Dạo một vòng phố cổ, dễ dàng nhận thấy nhiều cửa hiệu may mặc, đồ lưu niệm hiện mở cửa đều tranh thủ bán thêm cà phê, nước giải khát hoặc đồ ăn sáng nhằm trang trải thu nhập. Thống kê từ Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An cho thấy, bình quân lượng vé tham quan bán ra trong tuần đã giảm sút đến 20 lần so với cùng kỳ mọi năm khi không có dịch.
Ông Xuyên - đại diện di tích tín ngưỡng Tụy Tiên đường Minh Hương cho hay, dù khách không có bao nhiêu nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi vẫn cố gắng duy trì đầy đủ tập tục, hoạt động và mở cửa di tích để tạo không khí cho điểm đến.
“Làm ấm” khu phố cổ
Thời gian qua, một số chính sách kích cầu, khuyến mãi vé tham quan ở Hội An đã được ban hành và đều gắn khu phố cổ làm “hạt nhân”, tuy nhiên nơi đây vẫn còn khá trầm lắng. Vấn đề đặt ra là hiện nay cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã cạn kiệt tiềm lực nên cần tạo ra các sự kiện chất lượng với nguồn lực hợp lý và tận dụng tối đa xã hội hóa từ các nguồn lực trên toàn quốc. Bởi, rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân rất yêu, gắn bó với Hội An và sẵn sàng chia sẻ với di sản trong thời điểm khó khăn này.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, chúng ta cần đồng hành “làm ấm” lại khu phố cổ bằng một chuỗi sự kiện, trong đó nhà nước cần đóng vai trò điều phối.
Cũng theo ông Phan Xuân Thanh, thành phố cần có một buổi đối thoại với các hộ kinh doanh trong khu phố cổ để phổ biến thông tin cụ thể về chính sách ưu đãi, miễn thuế do doanh thu hàng tháng sụt giảm lớn nhằm động viên họ gạt qua sự e dè, mở cửa trở lại.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch và dịch vụ Hoa Hồng, đơn vị cùng một số doanh nghiệp đang tư vấn với chính quyền địa phương tạo ra chương trình “Thức giấc Hội An”, trong đó tập trung vào một số vấn đề như cải tạo ánh sáng, quy hoạch lại dịch vụ trên tuyến sông Hoài, tăng sức hút cho các ngõ hẻm cũng như đa dạng hơn nữa các chương trình văn hóa, nghệ thuật ở khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Thành phố vẫn xác định khu phố cổ là khu vực trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để phục hồi hoạt động du lịch từ đó làm đòn bẩy lan tỏa. Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung cao độ cho ba dịp tết dương lịch, tết âm lịch và tết nguyên tiêu với nhiều hoạt động để tạo ra sinh khí mới cho khu vực này”.
07/12/2020 10:30 | QUẢNG NAM ONLINE