Chuyện cổ tích ảnh lưu niệm
- Thứ năm - 25/02/2021 22:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ khi ra đời, ảnh lưu niệm có sức hút đối với mọi người. Càng ngày càng có nhiều đối tượng tham gia làm nên di sản ảnh lưu niệm cá nhân. Cách lưu giữ, sử dụng hình ảnh lưu niệm ngày càng phong phú hơn. Ngày trước, ảnh lưu album là phổ biến để thỉnh thoảng mở chúng ra xem lại những kỷ niệm, hiện nay ảnh được lưu trên máy tính, điện thoại di động, facebook, zalo để bảo quản, đăng tải và chia sẻ.
Yếu tố làm nên giá trị của ảnh lưu niệm, gia đình không phải ở tính nghệ thuật mà chính là ở tính nhân văn. Nhờ những bức ảnh lưu niệm của cá nhân, gia đình, dòng họ... mà chúng ta tìm còn thấy những câu chuyện của quá khứ, nhất là những gương mặt trong ảnh gắn với lịch sử của quê hương, đất nước. Trong những bộ ảnh lưu niệm gia đình phảng phất hình ảnh đất nước. Cuộc triển lãm Hồ sơ cán bộ đi B do Cục Lưu trữ Trung ương tổ chức trước đây, bên cạnh các huy chương, huy hiệu, những bức thư... người xem thấy nhiều bức ảnh lưu niệm từng là kỷ vật quý giá mà những chiến sĩ, cán bộ cách mạng mang theo trong hành trang của mình. Sau Hiệp định Paris, nhà báo Chu Chí Thành đến tác nghiệp ở khu vực giới tuyến, ông chụp một bức ảnh lưu niệm với hai nhân vật: một chiến sĩ Giải phóng quân và một người lính Việt Nam Cộng hòa, họ đang bá vai nhau tươi cười. Bức ảnh lưu niệm nhưng lại phản ánh giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc, đó là biểu tượng của sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Sau chiến tranh, hai người lính trở về quê hương sinh sống. Nhờ đăng bức ảnh này lên báo và cộng đồng mạng giúp đỡ, họ đã tìm đến nhau và kết nghĩa anh em.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những câu chuyện cảm động về cựu binh Mỹ tìm kiếm những người thân thiết ở Việt Nam. Những bức ảnh lưu niệm của các nhân vật, địa phương cư trú được đăng lên mạng và nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm. Chỉ sau thời gian, những nhân vật trong ảnh được gặp lại nhau và câu chuyện của họ giống như cổ tích thời hiện đại. Như trường hợp của Phil Seymour, cựu binh Mỹ tìm cậu bé tên là Cam ở Hội An, nơi ông đóng quân vào những năm 1966 - 1967. Những bức ảnh lưu niệm ngày xưa làm cho ông nhớ lại một thời, trong đó có hình ảnh cậu bé ngây thơ người Việt Nam. Lúc sắp chia xa vùng chiến sự, ông có gặp cậu bé Cam và hứa tặng chiếc đồng hồ nhưng lại quên đi lời hứa. Phil cho biết rằng cuộc sống của ông rất bình lặng, không có nhiều thứ làm ông hối tiếc, ngoại trừ lời hứa không thực hiện được với một cậu bé ở vùng quê nghèo Quảng Nam. Trước chuyến du lịch đến Hội An, Phil đã đăng những bức ảnh lên mạng và nhờ cộng đồng mạng cũng như hướng dẫn viên du lịch giúp tìm lại cậu bé Cam để thực hiện lời hứa của mình. Những bức ảnh lưu niệm thú vị, trong đó có bức vị cựu chiến binh này đang bế Cam trên tay, bức ông ngồi xuống, âu yếm đội mũ sắt lên đầu cậu bé, bức khác ông cõng chú chó con trên ba lô... Khi đi du lịch đến Hội An, Phil mang theo một cái đồng hồ. Nhờ những bức ảnh lưu niệm đó và sự tích cực của người hướng dẫn viên đoàn du lịch, người cựu binh Mỹ đã mau chóng tìm được câu bé Cam ngày xưa, nay đã là một người đàn ông 49 tuổi, làm nghề thợ mộc. Khi gặp lại, hướng dẫn viên chỉ ông Phil rồi hỏi Cam là có nhớ người đàn ông này không, Cam trả lời: “Có, ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Hướng dẫn viên hỏi về lời hứa chiếc đồng hồ 40 năm trước, Cam trả lời: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi, nói tiếng Mỹ bập bẹ”. Phil đưa cho Cam chiếc đồng hồ. Cả hai cùng ôm nhau khóc.
Ảnh lưu niệm gia đình là nguồn tư liệu, là di sản hết sức quý giá. Trên mạng xã hội, nhất là facebook, những bức ảnh lưu niệm gia đình xuất hiện với những thông điệp đầy tính nhân văn. Đó là những bức ảnh đoàn tụ gia đình, hình ảnh ông bà, cha mẹ ngày xưa nay đã xa lìa con cháu, hình ảnh đứa bé được mẹ cha bế ẵm trên tay, nay cũng đã trở thành “người có tuổi”... Ảnh lưu niệm càng lâu năm càng quý giá, càng được nâng niu. Nó là những mảnh ghép làm nên bức tranh của cuộc sống, nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi con người.
12/10/2019 11:06 | QUẢNG NAM ONLINE