Là một trong những biểu tượng du lịch của phố cổ Hội An, được in trên tờ tiền VN mệnh giá 20.000 đồng, Chùa Cầu (đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.Minh Khai) có tuổi đời gần 400 năm.
Từ thế kỷ 16, Hội An đã là một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất Đông Nam Á thu hút rất đông thương nhân quốc tế, đặc biệt là người Nhật và Trung Quốc. Khoảng đầu thế kỷ 17, phố Nhật Bản và Chùa Cầu ở Hội An được hình thành bởi thương nhân người Nhật (nên còn có tên là cầu Nhật Bản). Vì phần chùa được dựng nhô ra giữa cầu nên người dân gọi là Chùa Cầu.
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Thái Lan Sutien Lokulprakit
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Vũ Đức Chiến
Công trình rộng 3 m, dài 18 m, mái che được lợp ngói âm dương, có khảm gốm men lam. Phần giữa có 5 nhịp đặt trên trụ đá cắm xuống nước. Phần cầu và chùa được ngăn bởi một vách gỗ và bộ cửa truyền thống "thượng song hạ bản" (phần trên có chấn song, phần dưới kín). Mỗi đầu cầu có tượng linh hầu (khỉ) và thiên cẩu (chó) để trấn yểm. Hệ khung của Chùa Cầu làm bằng gỗ. Một số hoành mái, vì kèo có chạm nổi chữ Hán.
Trên lối vào gian thờ có tấm biển đề chữ: "Lai Viễn Kiều" (cầu đón khách phương xa), đó là tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần đến thăm Hội An đầu thế kỷ 18. Đặc biệt, dưới tấm biển có hai "mắt cửa" (núm khóa chốt cửa) - đây là chi tiết kiến trúc đặc trưng ở Hội An.
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Đoàn Quốc
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Hải Tre
Gọi là chùa nhưng ở đây không thờ Phật mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ (thần bảo hộ, chuyên trị bão lũ). Theo truyền thuyết của người Nhật, con quái vật Namazu có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở VN và đuôi ở Nhật. Chùa Cầu như thanh kiếm đâm vào lưng con quái vật để nó không quẫy đuôi gây nên động đất, lũ lụt, từ đó người dân sống bình yên và làm ăn thuận lợi hơn.
Năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Phong Khiếu
Ký họa Chùa Cầu của họa sĩ Việt kiều Vincent Monluc
Ký họa Chùa Cầu của KTS Nguyễn Đình Việt