Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Bảo tồn văn hóa phi vật thể biển

Hội thảo “Xây dựng mạng lưới di sản văn hóa phi vật thể biển” diễn ra tại TP.Hội An trong hai ngày 21 và 22.11 là dịp để các đại biểu trao đổi sáng kiến, góp thêm tiếng nói để giảm thiểu tác động làm tổn thương di sản phi vật thể biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TNB 12693
Cộng đồng làng ven biển đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể biển. Ảnh: Q.T

Cấp thiết bảo tồn

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân và với tầm nhìn dựa trên Công ước 2003 được Đại hội đồng UNESCO thông qua về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà Mạng lưới bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) được ra đời. Mục tiêu căn bản của tổ chức này nhằm thiết lập mạng lưới giữa các cộng đồng, nhóm, cá nhân nhằm giúp chuyển giao và chia sẻ về di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời tăng cường mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và tổ chức chính phủ trong khu vực cũng như quốc tế để trao đổi thông tin, kiến thức về văn hóa phi vật thể.

Ông Keum Gi Hyung - Tổng Giám đốc ICHCAP cho biết: “Chúng tôi mong muốn có một mối quan hệ tích cực, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Đất nước các bạn có truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ với truyền thống lâu đời gắn liền với văn hóa biển nên càng cần thiết hơn trong việc nỗ lực hợp tác bảo vệ loại hình di sản văn hóa này”.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, di sản văn hóa phi vật thể sống liên tục và được tái tạo, phát triển trong quá trình con người giữ gìn, phát triển các phong tục, tập quán của mình nhằm thích ứng với môi trường sống. Các di sản văn hóa phi vật thể bị mai một hoặc không còn truyền lại cho đời sau có thể sẽ khiến cộng đồng mất đi đặc tính xã hội của mình và khiến cộng đồng đó bị gạt sang lề phát triển dẫn tới phai nhạt bản sắc. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nói: “Nguy cơ di sản văn hóa phi vật thể trong đó có văn hóa phi vật thể biển bị tác động là rất lớn một khi không sử dụng các nguồn lực, nguồn lợi từ du lịch tái đầu tư để bảo tồn, phục hồi các di sản này”.

Còn cộng đồng, còn di sản

Theo ông Nguyễn Chí Trung, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể được xác định bởi chính cộng đồng nơi nó tồn tại và họ là những người quyết định xem những biểu đạt này có phải là một phần của di sản của mình hay không. Còn bà Phạm Thị Thanh Hường nhìn nhận, nhiều năm qua Quảng Nam đã khá thành công với chiến lược lồng ghép văn hóa vào phát triển du lịch thay vì tập trung phát triển du lịch để thúc đẩy kinh tế; ưu tiên giữ gìn, giảm di dời các làng chài ven biển. Nhiều đại biểu dự hội thảo cũng cùng chung nhận định, nguồn lực phát triển kinh tế biển không đơn thuần là đất đai ven biển mà còn là cộng đồng cư dân ở khu vực này và không thể hô hào bảo tồn di sản văn hóa biển nếu không tạo ra không gian bền vững, chính sách bền vững về việc sử dụng tài nguyên đất đai.

Ở góc độ vi mô, kinh nghiệm quý của Hội An nằm ở việc gắn liền không tách rời bảo tồn di sản phi vật thể với quá trình bảo tồn các công trình kiến trúc và các quần thể di sản phố cổ. Hội An được đánh giá cao không chỉ nhờ không gian đẹp mà còn bởi chính cộng đồng sinh sống, sự đầu tư liên tục trong giáo dục di sản trong cộng đồng. Phục hồi truyền thống, nghi lễ không chỉ phục vụ cho khách du lịch mà còn giúp cộng đồng hưởng lợi không gian văn hóa. Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, sức ép sẽ ngày càng nhiều bởi lợi ích từ di sản biển rất lớn và đã đến thời điểm quyết định để các nhà quản lý xác định rõ cái gì cần phải giữ lại. Không có gì khác hơn phải kiên định với một quy hoạch bảo tồn hợp lý.

22/11/2019 12:00 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây