Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh trong lòng phố cổ Hội An
- Thứ năm - 08/10/2020 04:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở một góc sân phía sau tòa nhà số 149 đường Trần Phú, Hội An, Tiến sỹ Bùi Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, chuyên gia phục dựng hiện vật đồ gốm Sa Huỳnh ở Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, đang lúi húi bên một chiếc âu gốm thời văn hóa Sa Huỳnh. Anh đã ở đây nhiều tháng nay để giúp đội ngũ cán bộ của Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh phục dựng lại một số đồ tùy táng trong các ngôi mộ đất của cư dân Hội An xưa.
Ảnh: hoianmuseum.com |
Là người nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, Tiến sỹ Bùi Hữu Tiến đánh giá bộ sưu tập hiện vật văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng phong phú và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam: Đến đây người ta thấy được, hình dung được về văn hóa mộ chum là thế nào, hiểu được đời sống vật chất, tinh thần, đời sống kinh tế xã hội của con người trong quá khứ như thế nào. Đây cũng mở ra các hướng để du khách khám phá nhiều hơn về văn hóa Sa Huỳnh. Sau khi thăm bảo tàng thì du khách có thể tìm hiểu sâu hơn, có thể đến các bảo tàng khác để tìm hiểu về đời sống của con người trong quá khứ.
Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật còn lại từ thời văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: hoianworldheritage.org.vn |
Chiếc âu gốm đang được Tiến sỹ Bùi Hữu Tiến và anh Trần Công Trung, cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phục dựng chỉ là 1 trong số 946 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Anh Trần Công Trung cho biết:Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh được thành lập năm 1995. Trước đó, các nhà khảo cổ học đã thám sát và khai quật cả một hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ học của cư dân Sa Huỳnh trên mảnh đất Hội An. Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh này hình thành trên kết quả của đợt khai quật đó. Toàn bộ các hiện vật trưng bày ở đây là hiện vật gốc.
Giữ nguyên bàn tay lấm đất, anh Trần Công Trung đến bên từng hiện vật, giới thiệu về các hiện vật cũng như đời sống của cư dân Sa Huỳnh, cộng đồng người Việt từ năm 1000 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 2, là những người đầu tiên định cư ở khu vực miền Trung:Đầu tiên phải kể đến là bộ sưu tập chum mộ nhiều hình dáng khác nhau cộng với các đồ tùy táng, cho thấy xã hội Sa Huỳnh lúc đó đã rất phát triển và phân hóa thành nhiều giai cấp. Bộ sưu tập thứ hai là các công cụ đồ sắt mang dáng dấp văn hóa Óc Eo ở phía Nam cũng như văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc. Điều đó chứng tỏ rằng lúc đó cư dân Sa Huỳnh đã có giao thương ở phía Bắc cũng như phía Nam Việt Nam. Bộ sưu tập thứ ba là đồ trang sức, chủ yếu là các khuyên tai và các hạt bằng đá mã lão, hạt cườm.
Độc đáo nhất trong Bảo tàng là tập hợp hơn 200 chum mộ của nền văn hóa Sa Huỳnh được bảo quản hoàn hảo. Cạnh đó là các hiện vật gốm nhiều màu sắc vẫn còn vẹn nguyên, tinh tế sau hàng ngàn năm. Nhiều hiện vật trong số này được trang trí bằng hình chạm khắc các biểu tượng tôn giáo hoặc những bức tranh phức tạp mô phỏng cây cỏ và loài vật.
Điều lý thú là các hiện vật ở Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh đều có địa chỉ khảo cổ học rất tin cậy, vì cùng với hiện vật là hệ thống tài liệu, ảnh chụp... minh chứng rõ ràng vị trí của chúng trong lòng đất. Cùng với hiện vật, Bảo tàng còn có nhiều tư liệu về táng tục, quan niệm sống chết, nhận thức thẩm mỹ, mối quan hệ giao lưu... của cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh trên đất Hội An.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An mở cửa từ 7h00 đến 21h00 tất cả các ngày trong tuần. Riêng ngày 10 hàng tháng, bảo tàng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế nên hôm ấy, tôi mới bắt gặp hình ảnh bàn tay lấm đất của Trần Công Trung và chiếc áo len bụi bặm của Bùi Hữu Tiến trong xưởng phục chế hiện vật của Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Vài tháng nữa thôi, những mảnh vỡ vụn vặt kia sẽ trở nên lành lặn để kể nốt những câu chuyện cổ xưa với du khách đến nơi này.