Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Áp lực di sản trong phát triển của Hội An

Sau 21 năm kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2020), nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật thì danh hiệu di sản cũng mang đến những áp lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển của địa phương.
TNB 31936 01
Danh hiệu di sản cũng tạo nhiều áp lực cho Hội An trong quá trình phát triển. Ảnh: K.L

Du lịch phụ thuộc... phố cổ

Hội An những ngày đầu tháng 12 khá vắng vẻ, trong phố cổ nhiều cửa hàng, shop thời trang đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài khách lẻ dạo phố, ngắm lụt. Trải qua 2 đợt dịch Covid-19 và 7 cơn lũ lụt, hoạt động du lịch nơi đây dường như đã chạm đáy.

Kể từ năm 1999, du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng thu hút khách đến Quảng Nam, góp phần tạo nên sức hút điểm đến, thể hiện rõ nhất trên các lĩnh vực hợp tác quốc tế, bảo tồn trùng tu, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đã giúp xác lập điểm đến Quảng Nam như là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Trung và cả nước.
 

TNB 31936

Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Nam đón gần 7,7 triệu lượt khách tham quan, lưu trú (khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt), tăng 17,93% so với năm 2018; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.000 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng thành phố Hội An đón hơn 5,3 triệu lượt khách, tăng gần 6% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 4 triệu lượt); tổng lượt khách lưu trú hơn 1,9 triệu, tăng 13,56% so với cùng kỳ, doanh thu vé tham quan phố cổ Hội An đạt hơn 287 tỷ đồng. Đây là những con số khá ấn tượng bởi năm 1999 chỉ khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch đến Hội An.

Ngành thương mại dịch vụ, du lịch Hội An vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với tỷ trọng chiếm trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố. Thông qua du lịch nhiều hoạt động thương mại dịch vụ Hội An phát triển, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng. Cùng với đó, không gian du lịch cũng được mở rộng phát triển ra vùng ven như đảo Cù Lao Chàm, biển An Bàng, rừng dừa nước Cẩm Thanh, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào di sản khiến phát triển du lịch ở Hội An kém bền vững. Điều này thể hiện rõ nét qua 2 đợt dịch bệnh Covid -19 và các đợt bão lũ vừa qua, hầu như hoạt động du lịch, dịch vụ trong phố cổ đóng băng, đình đốn. Mặc dù những năm gần đây không gian du lịch đã vươn ra ngoài phố cổ, nhưng theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, du lịch Hội An vẫn đang “ăn bám” vào di sản phố cổ.

Phát triển hài hòa, bền vững

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, ước tính năm 2020 Quảng Nam đón khoảng 1,4 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019; giảm 82% so với số kế hoạch. Trong đó khách quốc tế ước đạt 764 nghìn lượt, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 84,3% so với kế hoạch; khách nội địa ước đạt 703 nghìn lượt, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 78,4% so với số kế hoạch. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt 1.068 tỷ đồng, giảm 82,7% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 85% so với số kế hoạch. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.510 tỷ đồng. Sự sụt giảm này có nguyên nhân chủ yếu từ sự sụt giảm khách tham quan phố cổ Hội An.

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, ngoài mang đến sự hồi sinh cho phố cổ, giúp cơ cấu kinh tế Hội An chuyển mình, đi đúng hướng, đời sống của người dân được nâng cao… thì danh hiệu di sản văn hóa thế giới cũng tạo ra những áp lực, thử thách lớn cho Hội An. Điều này thể hiện rõ nét trong thời điểm dịch bệnh và bão lũ hiện nay. Điển hình là việc quản lý khu phố cổ gắn với du lịch đang trở nên cấp thiết khi hồn phố đang dần phai nhạt. Hiện, rất nhiều nhà cửa trong phố cổ đã đóng cửa, bởi phần lớn được người nơi khác thuê hoặc mua lại, chủ nhân không cư trú tại chỗ.

“Danh hiệu càng nổi bật, du lịch càng phát triển thì áp lực càng cao, thể hiện rõ nhất là những áp lực về mật độ dân số, môi trường, giao thông, áp lực về tâm lý, văn hóa… Thậm chí một số giá trị có nguy cơ bị đứt gãy. Do đó, quan điểm phát triển của thành phố là dựa trên quan điểm bảo tồn tài nguyên văn hóa và môi trường” - ông Lanh phân tích.

Theo các chuyên gia, du lịch di sản tại Hội An cần hướng đến cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm lợi ích về du lịch cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Hướng đến phát triển du lịch phố cổ chất lượng; tổ chức lại chương trình tham quan, phương thức bán vé, phân luồng, phân tour cho khách, đảm bảo sự văn minh trật tự, hài hòa tiện ích thân thiện cho khách... để tạo hướng đi mới cho di sản trong những năm tiếp theo.

Tác giả: KHÁNH LINH

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây